Từ ngày 1/11/2023, Công ty CP May Five Star (KCN Đại Kim, xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) chính thức tạm ngừng hoạt động do không có đơn hàng sản xuất. Kéo theo đó, 300 công nhân phải nghỉ việc tạm thời. Hiện tại, Ban lãnh đạo Công ty CP May Five Star đang cố gắng tìm kiếm thị trường, đưa đơn hàng mới về để công ty có thể hoạt động trở lại, từ đó tạo việc làm ổn định cho công nhân.
Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh thua lỗ do giá nhập khẩu nguyên liệu, chi phí sản xuất vận chuyển tăng; trong khi giá bán sản phẩm giảm
Còn tại Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (CCN Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh), đây cũng là giai đoạn cực kỳ khó khăn khi doanh nghiệp này phải đối mặt với tình trạng thua lỗ lớn nhất từ trước đến nay. Hơn 10 tháng năm 2023, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh sản xuất và tiêu thụ hơn 5.300 tấn sợi, doanh thu đạt khoảng 389 tỷ đồng, lỗ hơn 30 tỷ đồng. Không những thua lỗ, đơn hàng sụt giảm nên hiện nay doanh nghiệp còn tồn kho lượng hàng lớn với hơn 600 tấn sợi.
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Kế toán trưởng Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh: Công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu sợi, trong đó nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu. Thời gian qua, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng với ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Giá bông nhập khẩu tăng, trong khi giá sợi bán ra giảm mạnh và chi phí sản xuất, vận chuyển đều tăng cao nên doanh nghiệp phải bù lỗ. Hiện tại, công ty đang nỗ lực để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh nhằm duy trì việc làm cho hơn 300 lao động.
Công ty CP May xuất khẩu MTV chỉ sản xuất 4/8 dây chuyền vì đơn hàng ít.
Cũng đang bị khó khăn “bủa vây”, Công ty CP May xuất khẩu MTV (CCN Bắc Cẩm Xuyên) chỉ duy trì sản xuất 4/8 dây chuyền. Đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp này phải giảm từ 300 lao động xuống còn 170 lao động. Thu nhập của người lao động cũng giảm khoảng 1 triệu đồng/người/tháng. 10 tháng năm 2023, doanh thu của công ty chỉ khoảng 25 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch năm 2023.
Chị Lương Thị Tuyết - Kế toán tổng hợp Công ty CP May xuất khẩu MTV chia sẻ: “Các đơn hàng truyền thống thị trường Nhật Bản đều cắt giảm về số lượng nên chúng tôi phải nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, mã hàng mới khó làm nên năng suất không cao, tính ra doanh nghiệp không có lợi nhuận, thậm chí phải bù lỗ nhưng chúng tôi vẫn phải nỗ lực để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Thời điểm này, công suất của nhà máy đã giảm một nửa và sản lượng cũng giảm khoảng 1/3 so với năm trước”.
Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh chấp nhận gia công những đơn hàng nhỏ cả trong và ngoài nước để duy trì chuỗi sản xuất
Theo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may của Hà Tĩnh, tình trạng khó khăn này kéo dài từ tháng 2/2023 đến nay và dự báo sẽ còn kéo dài đến giữa năm 2024. Nguyên nhân khó khăn là do kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao ở Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... làm giảm nhu cầu về hàng dệt may; dẫn đến thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh.
Để duy trì hoạt động, doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh đang đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, chấp nhận đơn hàng nhỏ cả trong và ngoài nước. "Công ty chấp nhận cả những đơn hàng khó, có giá gia công giảm mạnh 20 - 40% so với thời điểm trước để có việc làm cho công nhân. Nhiều tháng nay, công ty không tổ chức đi làm ngày chủ nhật. Dự kiến tháng 12, chúng tôi cũng sẽ cho công nhân nghỉ luôn ngày thứ 7 vì hiện nay đơn hàng rất ít. 10 tháng, doanh thu 30 tỷ đồng, mới chỉ đạt hơn 54% so với kế hoạch cả năm” - ông Phạm Đình Nhân - Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh cho hay.
Hà Tĩnh hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng dệt may với hơn 3.500 lao động.
Theo thống kê của Sở Công thương, hiện tại, Hà Tĩnh có 6 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng dệt may với hơn 3.500 lao động, giảm hơn 1.000 lao động so với năm 2022. Qua khảo sát, đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may Hà Tĩnh hiện giảm khoảng 40% so với trước.
Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,3 triệu USD, chỉ bằng 62% so với tháng 10 năm ngoái. Hiện nay, Sở Công thương đang nắm bắt và tiếp nhận các ý kiến đề xuất của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may để có kế hoạch hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.