Việc lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh chủ yếu được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Từ năm 2009, đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã “phủ sóng” tại tất cả các xã, phường ở Hà Tĩnh. Ban đầu, chủ yếu được thực hiện miễn phí để người dân nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của vấn đề này. Từ năm 2020, việc xã hội hóa xét nghiệm sàng lọc sơ sinh được triển khai. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số đã tăng cường tuyên truyền vận động, tuy nhiên, việc thực hiện xã hội hóa sàng lọc sơ sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2021, Hà Tĩnh được giao lấy mẫu máu 8.890 gót chân ở trẻ sơ sinh để xét nghiệm sàng lọc, trong đó có 8.500 mẫu thực hiện xã hội hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số mẫu máu gót chân được thực hiện ở các địa phương vẫn còn rất khiêm tốn.
Chị Hoàng Thị Thùy Dương - cán bộ Phòng Truyền thông, Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh lấy được 1.420 mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh. Trong số đó, 13 bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế tuyến cơ sở chỉ lấy được 21 mẫu, số còn lại được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh”.
Xét nghiệm lấy máu gót chân giúp phát hiện và được chữa trị kịp thời một số bệnh lý
Xét nghiệm lấy máu gót chân có vai trò hết sức quan trọng giúp phát hiện và chữa trị kịp thời một số bệnh lý về rối loạn nội tiết hoặc chuyển hóa bẩm sinh của trẻ. Tuy nhiên, kinh phí lấy mẫu máu khá đắt, gói thấp nhất là gói xét nghiệm 5 loại bệnh (thiếu men G6PD; suy giáp bẩm sinh; bệnh lý liên quan chức năng tuyến giáp; tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; Phenylketonuria; Galactosemia) có giá 500 ngàn đồng, gói cao nhất lên đến hàng triệu đồng nên không có nhiều người sử dụng dịch vụ này.
Viên chức y tế phụ trách công tác dân số xã Tượng Sơn (Thạch Hà) tuyên truyền sàng lọc sơ sinh cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Yến - viên chức y tế phụ trách công tác dân số Trạm Y tế xã Tượng Sơn (Thạch Hà) cho hay: “Trong các đợt chiến dịch, chúng tôi đã lồng ghép giới thiệu, tuyên truyền về việc lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh cùng với việc chăm sóc sức khỏe thai sản tại trạm. Tuy nhiên, người dân chưa tham gia nhiều vì kinh phí xét nghiệm còn cao so với thu nhập của người dân nông thôn”.
Trong tình hình chung đó, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh là nơi ngành dân số gửi gắm hy vọng trong việc thực hiện chỉ tiêu xã hội hóa sàng lọc sơ sinh nhưng 4 tháng đầu năm nay Khoa Sản và Khoa Khám bệnh theo yêu cầu cũng chỉ thực hiện được 1.399 trường hợp.
Việc tuyên truyền xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cũng được Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà tăng cường
Y tá Nguyễn Thị Kỷ - Điều dưỡng trưởng Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Để có được số lượng người thực hiện xã hội hóa sàng lọc sơ sinh như hiện nay là nỗ lực lớn của chúng tôi trong việc tuyên truyền và lồng ghép qua các gói dịch vụ. Khi chuyển sang xã hội hóa rất cần thời gian để người dân chuyển biến suy nghĩ và tự ý thức tầm quan trọng của vấn đề này”.
Mỗi năm, Hà Tĩnh có khoảng 18.000 - 20.000 trẻ em được sinh ra nhưng số trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu gót chân chỉ khoảng hơn 3.000 cháu. Điều đó đồng nghĩa với khó khăn trong việc phát hiện và điều trị kịp thời một số bệnh lý về rối loạn nội tiết hoặc chuyển hóa bẩm sinh ở trẻ. Đó cũng là một trong những khó khăn đối với việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số ở Hà Tĩnh.