VIDEO: Các bước làm món khoai xéo
Không ai nhớ chính xác món khoai xéo ra đời từ lúc nào, nhưng theo các cụ cao niên ở huyện Nghi Xuân, món ăn này đã có từ rất lâu, vào những năm tháng khó khăn, vất vả mà khoai lang là một những lương thực chính được người dân sử dụng hằng ngày.
Mảnh đất Hà Tĩnh đầy nắng và gió lại thích hợp với việc trồng các loại cây như khoai, đậu, lạc… Sau mỗi mùa vụ, để cất trữ lương thực, bà con nông dân nghĩ ra cách cắt khoai rồi phơi khô. Và món khoai xéo ra đời từ chính nguyên liệu dân dã đó. Bên cạnh khoai khô, món ăn này còn có các loại nguyên liệu khác như: đậu đỏ, đậu đen, lạc, gạo nếp, đường.
Các nguyên liệu cơ bản làm món khoai xéo bao gồm: khoai khô, đậu, lạc, nếp.
Cách nấu món khoai xéo cũng rất đơn giản. Đầu tiên là chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu. Khoai khô được rửa sạch, để ráo. Đậu đen, đậu đỏ, lạc được lựa kỹ để loại các hạt lép, hỏng trước khi rửa sạch với nước. Gạo nếp được vo từ 2 - 3 lần rồi để ráo.
Bước tiếp theo, cho khoai khô, lạc, đậu đỏ và đậu đen đã sơ chế vào nồi, thêm nước ngập ½ nồi và đun ở lửa lớn trong khoảng 15 phút đến khi các nguyên liệu chín sơ. Sau đó, cho toàn bộ gạo nếp vào nồi khoai đậu, đảo đều để các nguyên liệu được trộn lẫn với nhau. Tiếp tục nấu ở lửa vừa khoảng 20 phút đến khi nước trong nồi cạn thì tắt bếp. Cho lượng đường vừa ăn vào đảo sao cho đường hòa quyện với các nguyên liệu rồi đậy nắp và ủ trong khoảng 10 phút để khoai xéo được dẻo và thấm đường.
Bước cuối cùng là dùng đũa cả đánh tơi khoai xéo để tránh bị vón cục. Tùy sở thích của mỗi người mà có thể xéo nhiều hay ít. Có thể xéo nhiều để các nguyên liệu nhuyễn ra hòa vào nhau, hoặc xéo sơ qua để miếng khoai, hạt đậu còn nguyên ăn cho bùi. Cái tên khoai xéo có lẽ cũng bắt nguồn từ hành động xéo khoai vậy mà ra.
Tên món ăn này bắt nguồn từ hành động dùng đũa xéo khoai.
Bà Nguyễn Thị Việt (66 tuổi, trú thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) cho hay: “Để có được món khoai xéo ngon cần đặc biệt chú ý khâu chọn nguyên liệu. Cần chọn loại khoai khô, sạch, không bị hư hỏng, sùng hà. Lạc và đậu thì cần chọn những hạt to, tròn. Nếp để nấu cũng là loại ngon. Khi chế biến cần phải lưu ý thêm việc điều chỉnh lửa để món khoai không bị khô hoặc ướt. Ngày nay, việc nấu khoai xéo không còn quá phổ biến. Món ăn này cũng ít được bán ở chợ, quán ăn như trước. Song, nhiều gia đình ở huyện Nghi Xuân vẫn lưu giữ món ăn này để không bị mai một”.
Bà Nguyễn Thị Việt bày món khoai xéo ra đĩa sau khi nấu xong.
Thành phẩm là một món ăn vô cùng giản dị nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt.
Thưởng thức món khoai xéo vào những buổi xế chiều, cùng chia sẻ về những câu chuyện đời thường bên cốc nước chè xanh là hình ảnh ta có thể dễ bắt gặp ở người dân thôn Phong Giang (thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân).
Chia sẻ về niềm vui giản dị ấy, bà Phan Thị Phương (68 tuổi, trú thị trấn Tiên Điền) cho biết: “Tuy chỉ là thức quà dân dã nhưng khoai xéo đã trở thành một món ăn gắn kết tình làng nghĩa xóm lại gần hơn. Cùng chuyện trò và thưởng thức món khoai xéo thơm ngon là niềm vui giản dị mà đầy ý nghĩa. Mỗi thế hệ, sở thích về món ăn, ẩm thực có khác nhau nhưng với món khoai xéo thì dù là người già hay trẻ nhỏ cũng đều rất yêu thích. Chính từ việc chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã sẽ giúp cho thế hệ trẻ thêm yêu thích để rồi tiếp tục lưu truyền những món ăn truyền thống mà cha ông để lại”.
Các thế hệ trong một gia đình ở huyện Nghi Xuân cùng thưởng thức món khoai xéo.
Chỉ là một món ăn dân dã xuất phát từ cuộc sống đời thường bình dị nhưng khoai xéo đã để thương để nhớ trong mỗi người con xa quê. Mùi thơm từ gạo nếp hòa quyện cùng vị béo của đậu phộng, vị ngọt bùi của các loại đậu và khoai lang đã tạo nên một hương vị đặc biệt, khiến cho mỗi người con xa quê luôn nhớ về.
Trở về quê hương sau khoảng thời sinh sống và làm việc ở nước Anh, chị Nguyễn Thị Nga (SN 1971, trú thị trấn Tiên Điền) cho biết: “Tôi xa quê đã lâu, nay trở về, hương vị mà tôi nhớ nhất đó là món khoai xéo. Được thưởng thức món ăn dân dã gắn bó với tuổi thơ ngay chính tại quê hương khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và trân quý. Tuy không phải là cao lương mỹ vị nhưng món khoai xéo lại mang một hương vị rất đặc trưng, giản dị khiến người ta phải lưu luyến”.
Em Trần Yến Nhi (học sinh lớp 10, trú xã Xuân Hải) cho hay: “Sinh ra và lớn lên ở vùng quê huyện Nghi Xuân, em được bà và mẹ cho thưởng thức món khoai xéo. Đây là một món ăn rất ngon khi được kết hợp từ nhiều nguyên liệu quen thuộc là thành quả của công việc đồng áng. Hương vị béo bùi từ lạc, đậu, thơm ngon từ khoai là điều mà em thích thú ở món ăn này. Bản thân là một người trẻ, điều mà thế hệ chúng em cần phải làm là luôn học hỏi, tiếp thu, lưu truyền những món ăn dân dã mà cha ông để lại, để từ đó càng trân trọng hơn những món ăn truyền thống của địa phương”.
Sự tiếp nối, lưu truyền qua các thế hệ giúp cho các món ăn truyền thống sống mãi cùng thời gian.
Đi khắp dải đất hình chữ S, đâu đâu chúng ta cũng có thể thấy dấu ấn của những phong vị ẩm thực đặc biệt, chuyên chở những giá trị văn hóa vùng miền. Chỉ với các nguyên liệu dân dã, cách chế biến đơn giản, khoai xéo đã trở thành một món ăn bình dị nhưng lại có sức hút lớn, dễ làm xiêu lòng thực khách.
Dù thời gian có trải dài đi nữa, cuộc sống hiện đại có thay đổi bao chăng thì với sự nỗ lực tiếp nối và lưu truyền qua các thế hệ, những hương vị, món ăn truyền thống vẫn luôn sống mãi.