Những ngày này, về đến làng Khoóng (nay thuộc tổ dân phố Hùng Dũng, thị trấn Đức Thọ), hương vị tết đang lan tỏa tới từng ngõ xóm. Các hộ gia đình làm nghề gói bánh chưng truyền thống đang tất bật với gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, thịt lợn... để gói hàng nghìn chiếc bánh phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán.
Người dân chuẩn bị lá dong để gói bánh
Gia đình chị Nguyễn Thị Hảo là một trong những hộ có truyền thống làm nghề bánh chưng lâu đời ở làng Khoóng. Bình thường, mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 150 - 200 chiếc bánh chưng nhưng bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp đến cận tết, số lượng lên từ 1.000 - 2.000 chiếc bánh mỗi ngày.
"Để làm một chiếc bánh chưng ngon, người làm phải tính toán lượng gạo, đỗ, thịt cân đối. Đơn hàng dù nhiều hay ít vẫn phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, quy trình của từng chiếc bánh vẫn phải được thực hiện đầy đủ, đặc biệt là ở khâu chọn và chuẩn bị nguyên liệu. Bây giờ nguồn cung trên thị trường rất nhiều, gia đình tôi càng phải luôn giữ gìn thương hiệu, chữ tín hàng đầu”, chị Hảo cho biết.
Để làm một chiếc bánh chưng ngon, người làm phải tính toán lượng gạo, đỗ, thịt cân đối.
Dịp tết Nguyên đán này, dự kiến làng nghề bánh chưng ở Đức Thọ sẽ cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 150.000 - 200.000 chiếc bánh chưng, giá bán từ 25.000 - 50.000 đồng/cái tùy loại. Vì vậy, trước đó, các cơ sở sản xuất phải chuẩn bị số lượng lớn nguyên liệu như: lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt...
Cùng với sự phát triển, ngày nay, hầu hết các hộ sản xuất đều sử dụng nồi điện để luộc bánh, vừa thuận tiện, vừa không gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn giữ hương vị riêng của bánh, được khách hàng tin dùng.
Những chiếc bánh đã được những người thợ ở làng Khoóng gói xong để chuẩn bị cho lên bếp nấu
Chị Nguyễn Thị Hà - chủ cơ sở sản xuất bánh chưng xanh Hảo Trạch cho biết: "Những chiếc bánh được gói xong sẽ đưa đi nấu trong 7 tiếng đồng hồ mới đạt độ chín. Khi lấy ra, bánh có màu sắc xanh dịu nhẹ của lá dong, có độ dẻo thơm của nếp, vị bùi của đậu xanh, béo ngậy của thịt lợn, thơm thơm của mùi hạt tiêu... Cuộc sống hiện đại nên nhiều gia đình không có thời gian để gói bánh chưng nữa, chúng tôi những người làm nghề càng trân quý hơn công việc của mình khi giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống”.
Theo những người giàu kinh nghiệm trong nghề gói bánh chưng ở làng Khoóng, bánh phải được nấu trong 7 tiếng đồng hồ.
Chị Nguyễn Thị Loan, người giàu kinh nghiệm với trên 30 năm làm nghề gói bánh chưng cho biết: “Tôi có thể gói 50 chiếc bánh/giờ đồng hồ. Gói bằng tay sẽ có độ chắc, đều hơn so với sử dụng khuôn gỗ để gói bánh. Mỗi chiếc bánh được gói như một lời chúc cho năm mới bình an, hạnh phúc mà những người làm nghề truyền thống ở làng Khóong muốn gửi đến mọi người, mọi nhà.
Nức tiếng từ xưa, vì thế những ngày giáp tết, không khí ở làng Khóong lại càng nhộn nhịp. Phần lớn, các cơ sở sẽ chuyển hàng đi các đầu mối hoặc ra chợ nhưng cũng rất nhiều khách hàng vào tận nơi để lấy bánh. Vào thời điểm này, mẻ bánh nào ra lò đều được bán hết mẻ đó. Chị Trần Thị Hà - khách hàng ở TP Hà Tĩnh cho biết: "Bánh chưng làng Khoóng nổi tiếng từ xưa với vị rất riêng. Vì thế, tết năm nào tôi cũng đến tận nơi để đặt bánh cho cả gia đình".
Nhiều khánh hàng tìm đến mua bánh tại các cơ sở.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Bí thư Chi bộ TDP Hùng Dũng cho biết: “Tổ dân phố Hùng Dũng là nơi có nhiều hộ làm bánh chưng nhất của huyện Đức Thọ với trên 20 hộ. Nghề làm bánh chưng đã tạo công ăn việc làm, mang lại kinh tế ổn định góp phần nâng cao đời sống cho bà con nơi đây. Đặc biệt, người dân ở đây luôn có ý thức cao trong việc giữ gìn nghề truyền thống, tạo ra những sản phẩm vừa chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, những chiếc bánh chưng làng Khoóng đã và tiếp tục đến tay người tiêu dùng như gói trọn vị quê hương, đồng thời góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.