Dân số toàn tỉnh tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2015 là 1.282.889 người, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm 2014. Từ 2010 – 2014, toàn tỉnh có 95.286 cháu được sinh ra, trong đó 21.761 cháu là con thứ 3 trở lên; con số này ở 5 tháng đầu năm 2015 là 7675 cháu, ước 6 tháng năm 2015 là 9188 cháu, số sinh con thứ 3 trở lên là 1724 cháu.
Những năm gần đây, phong trào nhân dân thực hiện mô hình ít con, khỏe mạnh, bình đẳng và tiến bộ đã từng bước được phát triển rộng khắp; công tác DS-KHHGĐ được đẩy mạnh, góp phần điều chỉnh quy mô dân số; nhận thức của nhân dân về DS, chăm sóc SKSS, KHHGĐ có nhiều chuyển biến rõ nét… Đạt được kết quả đó có vai trò đóng góp không nhỏ từ công tác truyền thông.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đoàn Thị Nhụy: Lồng ghép hoạt động của các câu lạc bộ, tuyên truyền đến tất cả các đối tượng, ở mọi lứa tuổi, giới tính và chú trọng ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa… |
Hằng năm, Chi cục DS – KHHGĐ tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ truyền thông các cấp; hỗ trợ, trang bị thiết bị truyền thông như: tivi, đầu DVD, loa, âm ly… cho các xã. Thường xuyên ký kết chương trình phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các đài TT- TH huyện, thị, thành; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương như: VOV, VTV1, VTV2, Báo Gia đình & xã hội… nhằm tăng cường nâng cao chất lượng tuyên truyền và tuyên truyền rộng rãi đến tận quần chúng nhân dân. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) xây dựng các phóng sự, tin, bài phát sóng…
Ngoài ra, Chi cục xây dựng, mở rộng mạng lưới cán bộ dân số ở 3 cấp với 150 đồng chí ở tuyến tỉnh, 262 cán bộ dân số xã và gần 3500 cộng tác viên dân số ở thôn, bản, khối xóm với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; trở thành đội ngũ làm công tác truyền thông tích cực trực tiếp tại cộng đồng.
Tuy nhiên, một số huyện, thành, thị chưa xây dựng được kế hoạch truyền thông cụ thể; năng lực nghiệp vụ của một số cán bộ chuyên trách cơ sở còn thiếu và yếu; kinh phí địa phương dành cho hoạt động truyền thông còn hạn chế; nội dung tuyên truyền còn thiếu sâu sát với từng vùng, miền…
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông DS-KHHGD. Các đại biểu có chung các ý kiến: tổ chức tốt các hoạt động truyền thông tăng cường lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ; đổi mới đa dạng hình thức, phương pháp truyền thông; đẩy mạnh tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ cho người làm công tác dân số; tổ chức các CLB DS-KHHGĐ lồng ghép với các hoạt động nhóm nghề nghiệp…
Cũng tại hội thảo, nhân kỉ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7), Chi cục DS-KKHGĐ gửi thông điệp của thế giới “Nhân phẩm, sự an toàn và sức khỏe sinh sản cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở mọi thời điểm”; “Không có lý do nào có thể phủ nhận cuộc sống của người phụ nữ là luôn quý giá dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và bất cứ thời điểm nào”. Ở Việt Nam, thông điệp là “Có cơ cấu dân số vàng – Cơ hội vàng để phát triển”; “Đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ là đầu tư cho phát triển bền vững”…