Những ngày này, người dân xã Thịnh Lộc bắt đầu bước vào mùa kéo lưới rùng dọc bờ biển Lộc Hà (cách bờ 500 – 700m). Nhờ thời tiết khá ấm, con nước thuận lợi, sương mù dày nên hải sản đánh bắt được nhiều và đa dạng hơn năm ngoái. Bình quân mỗi ngày, 1 tổ lưới có thể kéo được 4 mẻ lưới, mang về khoảng 6 tạ tôm, ghẹ, cá chim, cá đù, các trích... Tuy công việc nặng nhọc, vất vả nhưng bà con vẫn phấn khởi vì mỗi tổ (15 người) có thể kiếm được 30 triệu đồng/ngày, mang về mức thu nhập khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/người/ngày.
Ông Nguyễn Xuân Chình (Tổ trưởng Tổ lưới rùng ông Chình) ở thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc phấn khởi: “Mới đầu mùa đánh bắt nhưng lượng hải sản vào gần bờ nhiều nên ngư dân chúng tôi rất phấn khởi. Cách đây 2 ngày, tổ chúng tôi trúng đậm 2 mẻ lưới, mỗi mẻ khoảng 4 tạ với các loại hải sản có giá trị cao nên bán ngay tại bãi biển được 44 triệu đồng, mỗi người được hơn 3 triệu đồng. Những ngày tới, chúng tôi tiếp tục duy trì cường độ đánh bắt để cải thiện thu nhập".
Nguồn hải sản khá dồi dào, các yếu tố phục vụ sản xuất cơ bản thuận lợi nên những tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Văn Phượng (TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà) cùng đội tàu hoạt động khá sôi động ở vùng lộng. Trừ những ngày thời tiết bất thuận, còn lại ông Phượng và 2 bạn nghề đi biển đều đặn trên tàu 90 CV, đánh bắt cách bờ hơn 20 hải lý và cho sản lượng khá tốt.
Ông Nguyễn Văn Phượng cho biết: “Cứ khoảng 5h chiều là chúng tôi xuất phát từ cảng cá Cửa Sót ra biển đánh bắt, đến 4h sáng hôm sau thì về đến bờ. Sau một đêm, chúng tôi thu được khoảng 1,2 – 1,4 tạ hải sản các loại, mang về nguồn thu khoảng 6 triệu đồng; trừ chi phí, mỗi lao động được 700 nghìn đồng/người/đêm, chủ tàu thì gấp 3. Ngư trường đang khá dồi dào nên chúng tôi mong sao trời yên biển lặng để có thể đi biển liên tục".
Những tháng đầu năm nay, đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Hà Tĩnh cũng đang hối hả cùng nhịp điệu sản xuất chung, mang về nhiều loài hải sản có giá trị, kích cỡ lớn. Dù đội tàu khai thác vùng khơi toàn tỉnh (chiều dài từ 15m, công suất 300 CV trở lên) chỉ 100 chiếc làm các nghề câu, vó, mành, vây, lồng bẫy, chụp mực... nhưng đây được xem là đội tàu chủ lực trong hoạt động đánh bắt, đóng góp phần lớn sản lượng khai thác của tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Tài ở xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) cho biết: “Tàu chúng tôi có công suất 400 CV với 10 lao động, chuyên đi khai thác ở vùng khơi gần đảo Bạch Long Vĩ hoặc đảo Cô Tô. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đi được 5 chuyến biển an toàn, thắng lợi, mỗi chuyến khoảng 9 - 10 ngày, mang về 1,7 – 2 tấn hải sản/chuyến với giá trị 75 – 80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động trên thuyền có mức thu nhập gần 600 ngàn đồng/người/ngày, chủ tàu gấp 2,5 lần”.
Năm 2024, Hà Tĩnh có 2.720 tàu cá tham gia sản xuất; trong đó, đội tàu hoạt động tại vùng lộng (chiều dài từ 12m đến dưới 15m) có 520 chiếc, vùng khơi (từ 12 - dưới 15m) có 100 chiếc, còn lại 2.100 chiếc đánh bắt ở gần bờ (có chiều dài nhỏ hơn 12m) chủ yếu làm nghề lưới rê và nghề câu. Những tháng đầu năm nay, bà con ngư dân toàn tỉnh đã khai thác khoảng 8.606 tấn hải sản, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Anh Hồ Ngọc Diễn – cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Đầu năm nay, tỷ lệ tàu cá trên địa bàn toàn tỉnh hoạt động khá cao, nguồn lợi thủy sản dồi dào, thời tiết tương đối thuận lợi, được hỗ trợ, động viên kịp thời... nên bà con tích cực bám biển vươn khơi. Với mức sản lượng đánh bắt được tăng hơn 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, ngư dân Hà Tĩnh đã có được bước “chạy đà” khá hoàn hảo để hướng tới đích đến 38.500 tấn hải sản với tổng giá trị 1.852 tỷ đồng vào cuối năm”.