Mùa thu hoạch cam vừa qua (từ giữa tháng 11/2023 đến đầu tháng 2/2024), người dân Vũ Quang thu về gần 20 nghìn tấn quả. Được mùa, được giá nên bà con đã bắt tay ngay vào việc chăm sóc, dưỡng cây.
Cũng như nhiều hộ trên địa bàn, thời điểm này, gia đình ông Đoàn Mạnh Thuỵ ở thôn Hợp Đức (xã Hương Minh) tích cực làm cỏ, cắt tỉa cành và bón phân cho hơn 2 ha cam của gia đình.
Ông Đoàn Mạnh Thuỵ ở thôn Hợp Đức (xã Hương Minh) tỉa cành cho cây cam.
Để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho cây, gia đình ông Thuỵ đã sử dụng hơn 2 tấn phân chuồng được ủ hoai bằng chế phẩm sinh học kết hợp với phân bón hữu cơ Quế Lâm để bón cho cam, nhằm bổ sung dưỡng chất tốt nhất cho cây sau kỳ thu hoạch.
Thời điểm này, cam đang trong quá trình ra hoa, đậu quả nên việc chăm sóc cây được ông Thuỵ chú trọng.
Ông Thuỵ cho biết: “Việc chăm sóc cam sau mùa thu hoạch rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng quả ở vụ tới. Bởi vậy, hằng năm, khoảng tháng 2 dương lịch, gia đình tập trung nhân lực tiến hành làm cỏ, vun gốc, loại bỏ những gốc cam sâu bệnh và trồng mới để có thu hoạch vào những năm tới”.
Cũng theo ông Thuỵ, vụ cam năm ngoái, nhờ đảm bảo kỹ thuật trồng và chăm sóc kỹ từng gốc theo tiêu chuẩn hữu cơ nên 2 ha cam của gia đình đậu quả cao, cuối vụ xuất bán được hơn 15 tấn với giá bình quân 30 nghìn đồng/kg. Cam được mùa, được giá nên gia đình rất phấn khởi.
Người dân loại bỏ những quả cam còn sót lại.
Không chỉ gia đình ông Thuỵ, thời điểm này, bà con xã Hương Minh đều đang tập trung nhân lực chăm sóc cho gần 200 ha. Ông Đoàn Ngọc Lương - Chủ tịch UBND xã Hương Minh cho biết: “Từ mùng 5 tết, bà con đã tập trung lên các vườn đồi bón phân cho cam. Giai đoạn này cam đang bước vào kỳ đơm hoa, kết trái, nếu không được theo dõi, chăm sóc cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ. Chúng tôi đang đốc thúc bà con làm cỏ, bón gốc, bổ sung nguồn dinh dưỡng và phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại như: sâu đục thân, vàng lá, thối rễ, rệp...”.
Những ngày này, người trồng cam ở xã Đức Liên đang tích cực chăm sóc cam với hy vọng thêm một vụ mùa thắng lợi. Nhanh tay làm cỏ cho gần 3ha cam với hơn 1.200 gốc, bà Lê Thị Hoàn (thôn Bình Quang) phấn khởi cho biết: “Hai năm trở lại đây, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên cam vừa đạt năng suất cao vừa bán được giá. Đặc biệt, trồng hữu cơ không gây hại cho sức khoẻ, chi phí đầu tư cũng không cao nên gia đình rất yên tâm gắn bó. Từ mùng 5 tết, gia đình đã bắt tay chăm sóc cam, tiến hành làm cỏ, dọn vệ sinh trong vườn, đồng thời thực hiện việc vun xới đất, bón phân hữu cơ để cây cam được khỏe mạnh”.
Bà Lê Thị Hoàn (thôn Bình Quang, xã Đức Liên) đang tích chăm sóc gần 3 ha cam của gia đình.
Theo người trồng cam Vũ Quang, năm nay, cây ra hoa đúng thời vụ, tỉ lệ hoa cao nên bà con rất phấn khởi. Các hộ dân đang tích cực bám đồi để sớm hoàn thành việc bón phân “hồi sức” cho cam sau thời gian dài nuôi quả.
Ngoài làm cỏ, bón phân, người dân Vũ Quang đã chủ động nâng cấp hệ thống tưới thông minh để chăm sóc cam.
Ông Phan Xuân Nam - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Giai đoạn này, các diện tích cam đang bước vào thời kỳ ra hoa, đậu quả nên người dân cần hết sức chú ý, thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Việc chủ động chăm sóc cây đúng thời điểm và quy trình kỹ thuật sẽ giúp bà con có một mùa vụ bội thu. Để giúp người dân có thêm kỹ thuật chăm sóc, đơn vị đã phân công cán bộ trực tiếp xuống các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện cách bón phân, kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ hiệu quả cho gần 2.300 ha cam. Khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo năng suất cuối vụ”.