Khởi nghiệp bằng nuôi lươn không bùn

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 3 năm chăm sóc người vợ mắc bệnh tai biến, ông Nguyễn Minh Hà (SN 1970, ở thôn 5, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) quyết định đưa vợ về quê để thuận tiện chăm sóc và khởi nghiệp nuôi lươn không bùn phát triển kinh tế.

Năm 2001, ông Nguyễn Minh Hà rời quê hương vào Nam lập nghiệp. Nhờ am hiểu kiến thức trong lĩnh vực xây dựng, lại cộng thêm sự chăm chỉ, năng động, ông nhận được nhiều hợp đồng làm công trình ở Cần Thơ, Lâm Đồng, Tiền Giang… với vai trò là người giám sát, tư vấn xây dựng.

Năm 2002, khi đang làm công trình tại tỉnh Lâm Đồng, chàng kỹ sư quê Hà Tĩnh gặp gỡ rồi bén duyên với cô gái người địa phương Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1977). Không lâu sau, hai vợ chồng đón con gái xinh xắn đầu lòng. Thời điểm này, người vợ ở Lâm Đồng làm giáo viên tiểu học, nuôi con gái; chồng tiếp tục hành trình vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận để làm việc tại các công trường.

“Cuộc sống của gia đình lúc bấy giờ cũng khá ổn định, lương kỹ sư xây dựng của tôi cùng lương giáo viên của vợ cũng đủ trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Đó hẳn là khoảng thời gian đẹp nhất của gia đình tôi” - ông Hà bồi hồi nhớ lại.

Tưởng chừng như cuộc sống gia đình viên mãn, trớ trêu thay, năm 2016, bà Loan mắc bệnh tai biến mạch máu não, lại cộng thêm bệnh hở van tim từ nhỏ nên bệnh tình chuyển biến nặng. Lúc này, ông Hà phải bỏ dở công việc, tất tả “gõ cửa” các bệnh viện lớn, đôn đáo thuốc thang, chăm sóc để cứu chữa cho vợ.

Sau hơn 3 năm bỏ dở công việc để chuyên tâm chăm sóc vợ, năm 2019, sau khi bệnh tình của bà Loan có phần thuyên giảm, ông Hà mới bắt đầu đảm nhận trở lại các công trình. Tuy nhiên, khi công việc vẫn chưa đi vào ổn định thì dịch COVID-19 bùng phát khiến ông lại rơi vào cảnh thất nghiệp.

Khởi nghiệp bằng nuôi lươn không bùn

Ông Nguyễn Minh Hà - chủ mô hình nuôi lươn không bùn ở xã Sơn Bình (Hương Sơn).

Cuối năm 2021, khi tình hình dịch bệnh phần nào được kiểm soát, ông Hà quyết định đưa cả gia đình về quê Hương Sơn sinh sống, lên ý tưởng nuôi lươn không bùn để cải thiện kinh tế. Lúc này, bà Loan đã có thể tự sinh hoạt, giảm bớt một phần gánh nặng lên vai ông Hà.

Với đầu óc nhạy bén, thêm ý chí cần cù, đầu năm 2022, ông đã cải tạo lại mảnh vườn của gia đình để tiến hành xây dựng 10 bể nuôi lươn và bể lọc nước giếng khoan cùng các thiết bị nuôi chuyên dụng với tổng mức đầu tư gần 400 triệu đồng.

“Trong quá trình đi làm tại các tỉnh phía Nam như Tiền Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, tôi đã được tham quan, học hỏi kỹ năng nuôi lươn không bùn của người dân vùng này. Thấy cách nuôi không quá phức tạp, tạo nguồn kinh tế khá nên ngay khi về quê tôi đã lên ý tưởng để khởi nghiệp” - ông Hà tâm sự.

Ban đầu, ông Hà đã thăm dò, tìm hiểu mua con giống tại địa bàn các huyện lân cận như Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh. Ông lựa chọn mua con giống loại 500 con/kg để nuôi bởi lươn kích cỡ này có thể bắt đầu cho ăn cám, dễ chăm sóc.

Khởi nghiệp bằng nuôi lươn không bùn

Mô hình nuôi lươn của ông Hà có 10 bể nuôi được xây dựng kiên cố, ốp gạch bên trong.

Với 10 bể nuôi, ông thả 25.000 con lươn giống, chia đều 2.500 con/bể. Những ngày đầu nuôi lươn, tuy đã học hỏi, trang bị đầy đủ kinh nghiệm nhưng mô hình của ông Nguyễn Minh Hà gặp không ít khó khăn. Một số lượng lươn bị phù đầu, nấm gây thiệt hại đáng kể.

Để khắc phục, ông Hà vệ sinh bể nuôi, giá thể định kỳ, thường xuyên kiểm tra, tách những con giống bị bệnh để cho vào bể nước muối nhằm sát khuẩn. Ngoài ra, ông sử dụng bể chứa nước giếng khoan 32 khối để nước bay bớt thành phần quặng, nước cứng, tạo oxy trước khi bơm vào các bể nuôi.

Theo ông Hà, thời điểm thả con giống cũng rất quan trọng, thường rơi vào tháng 2 đến tháng 3 (âm lịch). Đây là thời điểm khí hậu ôn hoà, lươn dễ sinh trưởng. Khi bước vào mùa đông, lươn sẽ phát triển cầm chừng, phải che các bể nuôi để giữ ấm cho lươn. Vì vậy, nếu thả con giống vào mùa đông sẽ khó cho sản lượng cao. Bên cạnh đó, lươn tại mô hình của ông được nuôi đủ 12 tháng (một số cơ sở chỉ nuôi 10 tháng), giúp lươn chắc thịt, đảm bảo cân nặng.

Khởi nghiệp bằng nuôi lươn không bùn

Lươn nuôi tại mô hình của ông Hà có trọng lượng từ 3-4 con/kg.

Hiện nay, mô hình nuôi lươn không bùn của ông Nguyễn Minh Hà đang vào thời điểm xuất bán. Thị trường chủ yếu cung cấp cho người dân địa phương và các huyện lân cận, có một số thương lái tại Nghệ An cũng đang liên hệ mua số lượng lớn.

Lươn nuôi tại mô hình của ông Hà có trọng lượng từ 3-4 con/kg. Với 25.000 con giống ban đầu, sau khi trừ đi số lươn mắc bệnh, thiệt hại trong quá trình nuôi thì sản lượng đạt khoảng 5 tấn. Hiện giá lươn thị trường dao động từ 120-130 nghìn đồng/kg lươn sống, ước tính cho doanh thu trên 600 triệu đồng.

Ông Hà dự định sau khi bán hết số lươn vụ này, sẽ tái đàn và đầu tư thêm máy móc, nhân công để chế biến và đóng gói các sản phẩm về lươn ngay tại cơ sở. Qua đó, tiếp tục mở rộng mô hình để phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi lươn không bùn của ông Nguyễn Minh Hà là hình thức chăn nuôi đảm bảo, không gây ô nhiễm môi trường. Qua theo dõi, lươn phát triển khá tốt và có hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, kết nối để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện sẽ hỗ trợ về kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và nhân rộng mô hình này.

Ông Nguyễn Song Hào - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...
Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Căn cứ theo các quy định, xét đề nghị của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh và Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh.
Mật ong OCOP Thức Dung - ngọt từ thiên nhiên

Mật ong OCOP Thức Dung - ngọt từ thiên nhiên

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, mật ong Thức Dung (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.