Thạc sỹ, bác sỹ Đặng Quang Minh - Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) đưa ra một số khuyến cáo. Video: Tuấn Dũng - Thu Hòa.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 15.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó, có 7 trường hợp tử vong. Dịch chủ yếu diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phía Nam và phía Bắc.
Tại Hà Tĩnh, đến nay dịch vẫn đang được kiểm soát hiệu quả. Theo thống kê của ngành y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận khoảng trên 20 ca mắc tay chân miệng đến cơ sở y tế điều trị. Các ca bệnh phân bố rải rác và không lây lan thành dịch. Mặc dù số lượng ca mắc đang ở mức thấp song nếu các bậc phụ huynh có tâm lý chủ quan thì khi trẻ mắc bệnh, nguy cơ chuyển nặng rất lớn, nhất là khi năm học mới sắp bắt đầu.
Thạc sỹ, bác sỹ Đặng Quang Minh - Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) thăm khám cho một bệnh nhân bị tay chân miệng.
Phát hiện con có các triệu chứng nổi ban đỏ, ban phỏng nước và sốt nên chị Phạm Thị Hằng (Lộc Hà) đã mua thuốc về điều trị. Tuy nhiên, sau 3 ngày tự điều trị, không những các triệu chứng không thuyên giảm mà bé còn liên tục sốt cao trên 39 độ và bỏ ăn, quấy khóc liên tục nên gia đình chị Hằng đã đưa con vào Khoa Nhi - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh để điều trị.
Bệnh tay chân miệng biểu hiện thông qua việc xuất hiện các ban đỏ, ban phỏng nước.
“Vào đây, các bác sỹ chẩn đoán cháu bị tay chân miệng. Sau 2 ngày điều trị, cháu đã giảm sốt, sức khỏe cũng dần ổn định, uống sữa và ăn được 1 ít cháo nên gia đình cũng đỡ lo lắng” - chị Hằng chia sẻ.
Còn trường hợp của cháu Trần Yến Nhi (TX Kỳ Anh) khi bị nổi các nốt đỏ, gia đình tưởng cháu bị côn trùng đốt nên mua thuốc về bôi. Sau đó cháu sốt cao không cắt, lúc này, gia đình đưa đi khám mới phát hiện mắc bệnh tay chân miệng nên đã đưa vào Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.
Bác sỹ khuyến cáo tuyệt đối không chủ quan với bệnh tay chân miệng.
Đây là 2 trong nhiều trường hợp bị tay chân miệng vào điều trị tại Khoa Nhi của BVĐK tỉnh thời gian gần đây. Được biết, đa số các bệnh nhân vào điều trị đều có triệu chứng nhẹ, sau khi theo dõi và điều trị một thời gian ngắn là được ra viện, một số trường hợp không cần sử dụng đến thuốc điều trị. Tuy nhiên, Khoa Nhi cũng đã tiếp nhận một số ca bệnh chuyển nặng, diễn biến bệnh rất nhanh, trong khi thuốc để điều trị miễn dịch theo cấp độ nặng lại không có nên buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Thạc sỹ, bác sỹ Đặng Quang Minh - Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) cho biết: "Thời điểm này thời tiết chuyển mùa, thêm vào đó, năm học mới sắp bắt đầu, trẻ tiếp xúc với nhau nhiều, trong khi đây là bệnh do virus, thời gian ủ bệnh lại khoảng từ 3 - 7 ngày nên rất dễ bị nhiễm bệnh và lây lan. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có các triệu chứng như: sốt, nổi ban đỏ, ban phỏng nước ở đầu gối, lòng bàn tay, bàn chân hoặc mông, lưng, loét trong miệng, lưỡi thì cần đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Nếu những trẻ có triệu chứng nhẹ, các bác sỹ có thể tư vấn điều trị tại nhà. Việc điều trị tại nhà cần theo dõi sát sao tình trạng của trẻ, khi có các triệu chứng bất thường cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, tuyệt đối không chủ quan vì bệnh diễn biến rất nhanh".
Tại bệnh viện, hằng ngày trẻ sẽ được thăm khám và xử lý các nốt đỏ, nốt phỏng nước.
Ngành y tế khuyến cáo, để phòng tránh hiệu quả bệnh tay chân miệng cho trẻ, cần rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ. Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị nhiễm khuẩn như: đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa... với nước và xà phòng nếu có thể, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường và rửa lại với nước. Tránh các hành vi tiếp xúc gần như: ôm, hôn, dùng chung đồ dùng với các bệnh nhi khác. Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng đã hết hẳn. Cần theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời nếu nhận thấy triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo. Chú ý che miệng và mũi khi hắt hơi và ho, sau đó vệ sinh tay bằng nước và xà phòng. Xử lý khăn giấy và tã lót đã sử dụng bằng việc thải bỏ rác đúng cách, tránh thải bừa bãi ra môi trường chung. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sân vườn, nơi vui chơi của trẻ sạch sẽ. |