Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội khẳng định, số liệu mà dư luận nêu ra hoàn toàn không chính xác.
Trao đổi tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/5, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Việt Nam Đào Việt Ánh cho rằng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng trình Trung ương, Chính phủ liên quan đến Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, trong đó có nội dung tăng tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, thông tin việc này sẽ làm vỡ quỹ bảo hiểm hưu trí, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nói: "Tôi khẳng định không có chuyện đến 2025 là mất cân đối thu chi quỹ hưu trí".
Ông Ánh cho biết, trước đây Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã có tính toán, nhưng là tính toán trước khi có Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Nhưng sau đó, Luật Bảo hiểm xã hội đã mở rộng đối tượng, thay đổi cách tính khá nhiều.
"Số liệu mà dư luận nêu ra hoàn toàn không chính xác. Theo dự kiến của chúng tôi, thời gian kéo dài hơn rất nhiều. Còn cụ thể chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán và cung cấp thông tin sau. Tóm lại, không có chuyện quỹ bảo hiểm xã hội mất cân đối vào 2025", lãnh đạo Bảo hiểm xã hội nói.
Cũng theo ông Đào Việt Ánh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan được tham gia xây dựng đề án. Tất cả các thành viên khi xây dựng đề án, liên quan tới tuổi nghỉ hưu, đều cân nhắc rất nhiều yếu tố, chứ không chỉ vấn đề cân đối quỹ, chẳng hạn vấn đề kinh tế, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, năng suất lao động, số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực, bình đẳng giới và cân đối quỹ.
"Tôi xin nhắc lại, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ liên quan tới vấn đề cân đối quỹ, mà liên quan tới rất nhiều nhiều yếu tố khác, bao gồm kinh tế, lao động, việc làm, thất nghiệp…", ông Ánh khẳng định.
Theo đề án cải cách bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Trung ương, sẽ có 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu.
Trong đó phương án 1 là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng; phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.
Trong một nghiên cứu công bố mới đây, Tổ chức ILO cũng đưa ra tính toán, nếu Việt Nam không sớm thực hiện cải cách, quỹ hưu trí sẽ bị thâm hụt vào năm 2034. Khi đó, tất cả người lao động nam dưới 40 tuổi và nữ dưới 35 tuổi sẽ không nhận được bất kỳ đồng lương nào sau khi nghỉ hưu, nếu Chính phủ không dùng khoản lớn ngân sách để bù đắp.