Tại buổi họp báo công bố số liệu 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, trước ý kiến băn khoăn về sự khác nhau giữa các số liệu mà cơ quan này công bố ở những thời điểm khác nhau, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết: Số liệu thống kê của Việt Nam làm đúng theo thông lệ quốc tế, quốc tế làm sao thì chúng ta làm vậy.
Số liệu thống kê có 3 loại con số: số ước tính, số sơ bộ và số chính thức. Có những chỉ tiêu thống kê có cả 3 loại số này (như GDP) nhưng cũng có chỉ tiêu thống kê chỉ có một loại số chính thức (như chỉ số giá CPI).
Ông Nguyễn Bích Lâm trao đổi với phóng viên tại họp báo. |
"Cụ thể ở đây là GDP, theo quy định của Chính phủ, cứ vào cuối quý khi chưa kết thúc quý, Tổng cục phải tính toán để công bố. Khi đó hoạt động sản xuất kinh doanh của quý đó chưa kết thúc, chúng tôi phải ước tính, suy rộng nên con số đó chỉ là ước tính", ông Lâm cho hay.
Theo Nghị định 94 của Chính phủ, Tổng cục Thống kê phải công bố GDP quý 1 vào ngày 29/3/2017. Lúc đó là số ước tính. Đến ngày 29/6/2017, công bố số liệu quý 2 và tình hình kinh tế xã hội 6 tháng, lúc đó Tổng cục rà soát lại tình hình sản xuất kinh doanh của quý 1 và tính toán lại chỉ tiêu GDP của quý 1 rồi công bố, con số đó gọi là con số sơ bộ. Con số này đã thu thập được khá đầy đủ số liệu của quý trước.
"Sự khác biệt giữa số ước tính và số sơ bộ là đương nhiên vì thời điểm thống kê sớm thì không thể có số liệu tốt được", ông Lâm nói.
Đến tháng 9 năm sau, Tổng cục Thống kê qua kết quả điều tra doanh nghiệp, các điều tra liên quan khác và có kết quả của cả năm trước, khi đó tính toán thì có số liệu GDP chính thức của năm 2016. Lúc đó lại điều chỉnh lại số liệu của các quý. Đó là con số chính thức.
Như vậy, GDP có 3 số liệu phụ thuộc vào thời điểm thu thập thông tin. Cho nên, có thể có sự thay đổi giảm, thay đổi tăng nhưng vẫn đúng thông lệ. Cũng như vậy, trong năm nay, sang quý 2 Tổng cục tính toán lại quý 1 thì thấy số liệu tăng trưởng không phải là 5,1% nữa mà là 5,15%.
Ông Lâm cho biết thêm, các nước không yêu cầu tính toán sớm như ở Việt Nam. Phần lớn các nước là 6 tuần sau kết thúc quý mới phải tính toán. Thông thường vào 29/3 Việt Nam công bố GDP quý 1 thì Nhật Bản phải sau 6 tuần, Trung Quốc sau 20 ngày.
"Tính toán công bố sớm là để phục vụ cho việc quản lý, điều hành nền kinh tế. Chính phủ yêu cầu nên chúng tôi phải thực hiện", ông Lâm chia sẻ.
Ông Lâm khẳng định không có sức ép lên các con số thống kê tăng trưởng. Việc tính toán số liệu thống kê hoàn toàn độc lập, khách quan, tính toán ra bao nhiêu, báo cáo với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ trưởng sử dụng con số đó báo cáo Chính phủ.
Tính khách quan này thể hiện qua chính con số tăng trưởng GDP quý 1 mà Tổng cục công bố hồi đầu năm là 5,1%. Không ai nghĩ thấp như vậy nhưng Tổng cục vẫn dám công bố và bảo vệ con số đó vì tất cả các chỉ tiêu kinh tế được công bố đều có sự ràng buộc lẫn nhau.
Theo ông Lâm, nếu không làm đúng thì các nhà kinh tế, bộ ngành sẽ chỉ ra. Đây là tiêu chuẩn được quy định trong Luật Thống kê.
Ông Lâm cũng khẳng định việc tổ chức bộ máy của Tổng cục thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư không ảnh hưởng đến tính khách quan của số liệu thống kê.
"Về phương pháp thống kê, tôi khẳng định là đã tính đúng. Các tổ chức quốc tế cũng không có nghi ngờ gì về cách tính của chúng tôi", ông Lâm nhấn mạnh.