Tiềm ẩn nguy cơ đã đành, nhưng câu hỏi đặt ra là, bao giờ, sân chơi cho trẻ em ở nông thôn mới thôi là khoảng trời mơ ước?
Ngày hè. Ảnh: Giang Nam
Góc sân và khoảng trời
Góc sân là nơi trẻ chơi hàng ngày, gắn với đồ vật và thế giới trẻ thơ, giúp hình thành tư duy trừu tượng, các phán đoán khách quan về sự vật, hiện tượng. Dĩ nhiên, góc sân vẫn mãi là nơi tuyệt vời đối với trẻ, bởi nó vẽ nên khung trời mộng mơ. Thế nhưng, từ “sân nhà” đến “sân làng”, chuyện lại khác. Vấn đề không phải chỉ vài bước chạy hay một phút đạp xe trẻ có thể đến được nhà văn hóa mà là ở trình độ quản lý không gian.
Dẫu sao, “góc sân”, tuy hẹp nhưng vẫn cho thấy một trình độ quản lý khá chặt chẽ (gắn tình cảm gia đình); khác với nhà văn hóa - nơi của chung, thuộc về trình độ quản lý tập thể. Trẻ từ nhà tới làng, tức là bước từ không gian riêng ra không gian chung nhưng không được trang bị về tâm lý để đón bầu không khí mới. Hầu hết, trẻ đều tự nhiên như cây cỏ để đến với sân chơi chung, vì thế, sự thiệt thòi là điều từ lâu trẻ quen chấp nhận.
Sân chơi thường thấy ở trẻ em nông thôn.
Chẳng nói đâu xa, cứ cuối giờ chiều, đến bất kỳ một nhà văn hóa nào, theo dõi một trận đấu bóng chuyền, hay bóng hơi của các cụ cao tuổi, chúng ta đều bắt gặp những ánh mắt thòm thèm ngồi quan sát từng đường bóng của trẻ nhỏ. Chỉ chực chờ bóng sổng, bay ra ngoài, lập tức trẻ lao tới, cầm lên và đấm mạnh về phía người lớn, nhiều lúc trẻ còn bị quát mắng vì thao tác chậm. Cú đấm bóng của trẻ và tiếng quát mắng của người lớn cho thấy vị trí của trẻ nhỏ - “kẻ bên lề” trong không gian chung.
Sân bóng dành cho người lớn chơi, đành là vậy (bởi còn liên quan đến phong trào phát triển thể thao), nhưng đâu là sân chơi cho trẻ, đâu là thái độ tích cực của người lớn trong vấn đề này? Nói cụ thể, phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện để hầu hết các thôn có nhà văn hóa mới, có nơi trên 1 tỷ đồng, nhưng liệu có sân chơi nào tích cực, lành mạnh cho trẻ em trong không gian nhà văn hóa? Thiết chế trong nhà văn hóa đa phần là phục vụ hội họp, vì thế, đa phần nhà văn hóa được khóa im ỉm suốt ngày.
Tủ sách nông thôn thì èo uột, chỉ lác đác một vài nơi và rất hình thức, không thu hút được trẻ. Các đồ chơi, dụng cụ và sân bãi tập trong nhà văn hóa là những chuyện chưa ai tính đến. Đó là chưa nói, sắp tới, lúa xuân vào kỳ thu hoạch, lúc đó, nhà văn hóa cũng trở thành nơi phơi thóc lúa của người dân.
Nông thôn trong lộ trình hiện đại hóa, dầu đạt nhiều thành tựu, nhưng cũng đã tác động không tích cực tới sân chơi trẻ em. Việc đầu tư đường điện, hạ tầng nông thôn, cùng với đó là đầu tư phát triển kinh tế trên các diện tích đồi núi, bãi hoang hóa… cũng tác động tới việc thu hẹp các sân chơi quen thuộc của trẻ như đá bóng, thả diều, câu cá, đánh trận giả, đánh đáo…
Chỉ có ở trường học, trẻ em nông thôn mới có được sân chơi như thế này.
Internet phổ cập đến từng thôn, ti vi, thiết bị truyền thông hiện đại cũng đã ngốn nhiều thời gian của trẻ, làm nhiều trẻ say mê với thế giới ảo, không mặn mà với các trò chơi dân gian như: kéo xe, nấu ăn, oẳn tù tì, trỉa hột trỉa hạt, trốn tìm, trò rồng rắn lên mây… Việc đánh mất các trò chơi truyền thống đã ảnh hưởng tới tính sáng tạo, ý thức gắn kết tập thể của trẻ cũng như cơ chế miễn dịch, sự thích nghi với môi trường.
Cùng với những tác động làm thu hẹp sân chơi của trẻ, điều thua thiệt của trẻ nông thôn là luôn mang tâm lý được hòa mình vào nhiều sân chơi ở thành phố. Đó là bể bơi vào ngày hè, là những vòng đu quay, là xe xích lô có ánh điện, là khu vực trượt patin hay ném bóng rổ v.v… Với trẻ nông thôn, những sân chơi dầu đơn giản ở thành phố vẫn là “khoảng trời” nên đành hài lòng với góc sân nhỏ. Đó là chưa kể, khi trẻ không hài lòng, đã tìm đến những không gian đồng ruộng, ao hồ… để thỏa thuê “đổi gió” và làm cho tỷ lệ tai nạn thương tích của trẻ em trong tỉnh tăng từ 1.071 (năm 2014) lên 1.380 trường hợp năm 2015.
Chưa thể khỏa lấp…
Hè đến, các cấp, ngành lại tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã chủ động ban hành các kế hoạch, triển khai thực hiện nhiều nội dung. Đến nay, đã phát trên 6.000 tờ rơi thực hiện chiến dịch hành động, in hơn 800 đĩa CD tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Trẻ em đọc sách ở Thư viện tỉnh
Hiện nay, một số huyện đã tổ chức tập huấn công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ như Can Lộc, Thạch Hà… Nhiều địa phương, trong nhiều năm, cũng đã tổ chức các mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ như: phòng chống đuối nước cho trẻ như tại xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), CLB hành trình xanh phòng chống nguy cơ vi phạm pháp luật ở phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh), nhiều CLB “Quyền trẻ em” ở Thạch Hà…
Cùng với các ban, ngành, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các cấp hàng năm đã chủ động ban hành các chương trình sinh hoạt hè. Năm nay, ngoài việc ban hành tài liệu tuyên truyền phòng chống đuối nước cho trẻ, Tỉnh đoàn xây dựng nội dung sinh hoạt hè tại các địa bàn dân cư với chủ điểm: “Chào mùa hè”. Chương trình gồm các tiết mục múa hát về đội, đất nước, Trường Sa; tập dân vũ “Bố ơi, mình đi đâu thế?”; kể chuyện con cào cào, con cồ cồ; trò chơi hái hoa dân chủ…
Thiếu sân chơi và thiếu sự kiểm soát của người lớn nên trẻ em nông thôn rất dễ đối mặt với rủi ro. Ảnh: Giang Nam
Các chương trình ban hành và triển khai là rất tích cực. Thế nhưng, nhìn một cách khách quan, với tính chất là chương trình ngắn hạn, có tính thời điểm và nội dung theo trọng tâm nên chưa thể khỏa lấp được những đòi hỏi từ thực tiễn. Vẫn là chuyện thiếu sân chơi và đồ chơi đã đành (vì các chương trình đưa ra không phải để giải quyết các vấn đề cơ sở vật chất), nhưng cái thiếu lớn nhất là tính đa dạng để giúp trẻ vừa chơi vừa học, từ đó, phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tâm hồn. Bởi vậy, thông điệp “Hãy tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống, các CLB, diễn đàn trẻ em nhằm thúc đẩy vai trò chủ động, tự tin của trẻ” mà Sở LĐ-TB&XH tuyên truyền vẫn là lời thôi thúc cho năm nay và nhiều năm sau nữa.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước về quyền trẻ em. Trong đó, quyền được vui chơi, giải trí là không thể thiếu. Đã đến lúc, cần tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em nói chung, trẻ em vùng nông thôn nói riêng. Trong đó, bên cạnh trách nhiệm của Nhà nước còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Có như thế, mỗi dịp hè về, trẻ mới được thỏa thuê, vui chơi bổ ích sau những tháng ngày nhọc nhằn vì chữ.