Sức mạnh Fomosa
Ngoài lĩnh vực luyện kim, KKT Vũng Áng còn sở hữu hệ thống cảng nước sâu tầm cỡ quốc tế.
Mặc dù triển khai trong giai đoạn khủng hoảng thế giới nhưng tiến độ xây dựng dự án Fomosa vẫn được bảo đảm theo cam kết. Khởi công xây dựng từ tháng giữa năm 2008, đến ngày 18/5/2018, lò cao số 2 của nhà máy Gang thép Formosa Hà Tĩnh đi vào vận hành thử nghiệm, đồng nghĩa với việc các công trình hạng mục thuộc giai đoạn I của dự án đều đã khởi động toàn diện.
Trước đó, lò cao số I đã chính thức vận hành thương mại từ tháng 6/2018. Hiện, cả 2 lò cao đang vận hành ổn định, tính đến cuối năm 2018, sản lượng thép của cả nhà máy đạt khoảng trên 5 triệu tấn, doanh thu ước tính khoảng 2,6 tỷ USD. Năm 2019, khi cả 2 lò cao cùng vận hành hết công suất, dự kiến sản lượng gang lỏng đạt 6,71 triệu tấn/năm, doanh thu có thể đạt 3,5 tỷ USD.
Đại diện từ Formosa Hà Tĩnh khẳng định, là nhà máy gang thép khép kín lớn nhất Việt Nam hiện nay, đơn vị sẽ dốc sức phối hợp để cùng Chính phủ đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp. Đồng thời với sự kết hợp của các đối tác đầu tư, Formosa sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng, nỗ lực cùng Hà Tĩnh cũng như Việt Nam trở thành một trong những nền sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á. FHS tin tưởng với sự phát triển tập trung của các ngành nghề cung ứng nguyên liệu, gia công và chế tạo gang thép sẽ trực tiếp tạo cơ hội việc làm cho khoảng 300 nghìn lao động, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Formosa Hà Tĩnh vẫn hoạt động bình thường dịp Tết Kỷ Hợi
Cùng với sản xuất, Formosa luôn tăng cường kiểm soát công tác bảo vệ môi trường, thiết lập 3 bước đề phòng sự cố ngay tại nơi sản xuất, đồng thời truyền trực tiếp dữ liệu quan trắc đến cơ quan quản lý để giám sát, đến nay chất lượng nước tại hồ sinh học đã đạt tiêu chuẩn loại A.
Đầu kéo kinh tế Hà Tĩnh
Ngoài lĩnh vực luyện thép với hạt nhân là Công ty Formosa, KKT còn có một số lĩnh vực sản xuất được đánh giá dẫn đầu cả nước như điện năng, dịch vụ cảng biển nước sâu…
Theo quy hoạch, các nhà máy nhiệt điện tại KKT có tổng công suất khoảng 6.300 MW. Riêng nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200 MW) do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư đã hòa lưới điện quốc gia năm 2015. Sản lượng điện sản xuất 11 tháng đầu năm 2018 đạt 4,5 tỷ kWh, nộp ngân sách nhà nước 279,9 tỷ đồng. Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 với tổng mức đầu tư 2,187 tỷ USD theo hình thức BOT, công suất 1.200 MW, đến nay đã ký hợp đồng và sẽ khởi công xây dựng trong quý I/2019.
Năm 2018, sản lượng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đạt hơn 4,5 tỷ kwh, nộp ngân sách gần 280 tỷ đồng.
Về lĩnh vực cảng nước sâu, dự kiến lượng hàng hóa thông qua các bến số 1 và số 2 của Công ty CP Quốc tế Cảng Vũng Áng Lào – Việt năm 2018 là 2,905 triệu tấn. Các bến cảng còn lại đang tiếp tục được đầu tư xây dựng.
Phó Trưởng ban Quản lý các KKT Hà Tĩnh Đặng Văn Thành cho biết: Vũng Áng đang trở thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực và sớm khẳng định là KKT động lực của Hà Tĩnh và cả nước. Đến hiện tại, Khu kinh tế Vũng Áng có 132 dự án, gồm 76 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký 50,691 nghìn tỷ đồng và 56 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký 11,856 tỷ USD.
Đến thời điểm này, Khu kinh tế thu hút 18.689 lao động, trong đó 16.595 lao động Việt Nam; 2.094 lao động nước ngoài. Dự kiến cả năm 2018, thu ngân sách trong KKT, KCN toàn tỉnh đạt 8.050 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 11 tháng tại KKT Vũng Áng đạt 5.355,38 tỷ đồng; thu từ nội địa tại KKT Vũng Áng 1.500 tỷ đồng.
Với những tiềm năng riêng cùng quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, hệ thống chính sách đồng bộ, sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành trung ương và địa phương, Hà Tĩnh sớm đưa KKT Vũng Áng trở thành khu kinh tế động lực có tầm cỡ quốc gia.