Cán bộ chuyên môn lấy mẫu hải sản khai thác xa bờ để kiểm tra VSATTP |
- Để thực hiện hướng dẫn của Bộ NN&PTNT về các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường, ngành thủy sản Hà Tĩnh đã triển khai những giải pháp gì thưa ông?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 3441/BNN-TCTS ngày 2/5/2016, đối với Hà Tĩnh, sau khi có văn bản hướng dẫn của bộ, Sở NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc sở và các địa phương vùng biển thực hiện nghiêm túc một số nội dung.
Theo đó, Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các địa phương kiểm tra, cấp giấy xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn và tổ chức dán nhãn cho các sản phẩm hải sản khai thác ở vùng biển an toàn. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản chủ trì, phối hợp với các địa phương lấy mẫu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn và giám sát xử lý lô hải sản khai thác có kết quả mẫu không đạt yêu cầu. Các địa phương vùng biển hướng dẫn ngư dân khai thác tại vùng biển an toàn, nằm ngoài khu vực từ 20 hải lý trở ra tính từ bờ. Ngoài ra, hướng dẫn người dân thực hiện việc thu gom, xử lý hải sản chết bất thường và không đảm bảo an toàn thực phẩm, các biện pháp kỹ thuật tạm thời trong nuôi trồng thủy sản.
- Vậy, để kiểm tra, xác định được hải sản an toàn, cần phải thực hiện những công đoạn gì thưa ông?
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, ngành đã có hướng dẫn xác nhận cho những tàu khai thác hải sản từ 20 hải lý trở ra từ bờ biển trong tỉnh là các sản phẩm khai thác ở vùng biển an toàn. Theo đó, khi tàu cập cảng, chủ tàu có trách nhiệm báo với Chi cục Thủy sản để giám sát việc lên cá, xác nhận khối lượng từng loại; cung cấp sổ hành trình, nhật ký khai thác. Sau khi kiểm tra, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác tại vùng biển an toàn.
Về giám sát hải sản an toàn, sẽ lấy mẫu tại các huyện, thị ven biển khi tàu thuyền cập cảng, bến cá… hải sản được bốc dỡ, đưa lên bờ để đưa đi tiêu thụ. Đối với hải sản được khai thác tại vùng biển ngoài 20 hải lý tính từ bờ thì 2-3 ngày/lần tùy theo điều kiện thực tế tại từng địa phương; lấy mẫu hàng ngày đối với hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý tính từ bờ để phân tích kim loại nặng (thủy ngân, chì, cadimi, arsen), đồng thời xử lý kết quả mẫu giám sát không đạt yêu cầu.
Ngoài ra, ngành còn hướng dẫn xử lý hải sản chết bất thường, hải sản không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người dân tuyệt đối không sử dụng hải sản chết bất thường trôi dạt vào bờ hoặc được vớt lên từ các vùng biển ven bờ làm thực phẩm hoặc chế biến làm thức ăn cho vật nuôi. Những hải sản này phải được thu gom và vận chuyển đến nơi chôn lấp đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Mặt khác, ngành hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật tạm thời áp dụng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản. Các cơ sở nuôi cá lồng và cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm trong ao đầm ven biển tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân. Đối với các cơ sở đang nuôi thì phải thường xuyên theo dõi cá nuôi, môi trường nước để phát hiện, xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường xẩy ra…