Lãnh đạo tỉnh gặp mặt kiều bào về quê ăn tết Kỷ Hợi 2019. Ảnh Đình Nhất
Ông Đinh Ngọc – Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Cộng hoà Séc: Tình cảm nồng hậu của quê hương là động lực để chúng tôi trở về.
Bôn ba nơi xứ người, trở về quê hương năm nào chúng tôi cũng được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương và bà con đón tiếp nồng hậu. Tình cảm chân thành đó đã gieo vào tâm tư chúng tôi những ký ức đẹp đẽ. ấm áp. Cũng như quan niệm của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi luôn xác định mình là một phần máu thịt, không thể tách rời với quê hương bản quán. Suy nghĩ đó đã luôn thôi thúc chúng tôi trở về và mang theo những sự sẻ chia, những dự định đầu tư xây dựng quê hương.
Ông Đinh Ngọc - Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Cộng hoà Séc. Ảnh Đình Nhất
Ở Cộng hoà Séc, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh có hơn 7. 000 người, thế hệ như chúng tôi đều dạy con cháu vừa biết học tập, nỗ lực phấn đấu hòa nhập xã hội ở nước sở tại, vừa hướng về quê hương bằng những tình cảm, việc làm thiết thực. Trước hết là trong việc thiện nguyện, đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sau đó sẽ là những dự định lớn lao hơn.
Ông Trần Văn Sơn – Tổng Giám đốc Công ty CP Hợp tác thương mại Toàn cầu: Diện mạo mới của Hà Tĩnh là động lực cho những dự án đầu tư từ nước ngoài
Trở về Việt Nam trong thời gian gần đây, tôi rất vui và tự hào bởi những đổi thay nhanh chóng về cơ sở hạ tầng, về môi trường cũng như văn hóa. Phải thừa nhận, phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh là đã “thổi hồn” cho Hà Tĩnh thay đổi và phát triển. Diện mạo mới đã tạo cho chúng tôi nhiều cảm xúc, vừa xúc động vừa tự hào, tin tưởng. Điều đó đã thúc đẩy chúng tôi có thêm niềm tin để đóng góp công sức của mình trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đầu tư những dự án lớn nhằm thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh.
Ông Trần Văn Sơn – người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương Nghi Xuân. Ảnh Đình Nhất
Là một người con Nghi Xuân, tôi rất tự hào khi những đóng góp của mình đã bắt đầu hiển hiện trên gương mặt quê hương. Nghi Xuân vừa trở thành huyện về đích nông thôn mới đầu tiên của tỉnh và lại còn về đích trước thời hạn. Đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và bà con nhân dân. Đó cũng là cơ sở để tôi và bạn bè của tôi có thể tiếp tục nghiên cứu, đầu tư những dự án tầm cỡ khai thác những tiềm năng, lợi thế về du lịch, văn hóa của Nghi Xuân, giúp quê hương ngày càng đổi mới.
Hiện tại, tôi và bạn bè của tôi ở Đức cũng đang nỗ lực kết nối với các trường THPT, trường dạy nghề trên toàn tỉnh nhằm định hướng, đưa lao động sang châu Âu đào tạo nghề để trở về phục vụ các dự án, góp sức xây dựng quê hương.
Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ - nguyên giảng viên Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga: Rất nhiều di sản văn hóa của Hà Tĩnh cần được “thức dậy”.
Hơn 20 năm làm việc trên lĩnh vực năng lượng tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, trở về Việt Nam, tôi bắt đầu đi sâu tìm hiểu về văn hóa dòng họ của mình. Từ dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lộc (Can Lộc), tôi mới thấy, có rất nhiều di sản văn hóa Hà Tĩnh đang “ngủ yên” mà nếu không được đánh thức thì những giá trị của cha ông sẽ không có cơ hội phát huy trong đời sống hiện đại.
Dòng họ Nguyễn Huy của chúng tôi vừa có 2 di sản văn hóa được đánh thức, hòa nhập với văn hóa nhân loại. Tôi tin chắc rằng, vẫn còn rất nhiều dòng họ, rất nhiều địa phương có những di sản đang trong tình trạng “ngủ yên” như thế.
Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ - hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy (Can Lộc), người có công lớn trong việc đưa di sản dòng họ Nguyễn Huy hòa nhập với văn hoá nhân loại. Ảnh Đình Nhất
Từ trước tới nay, các doanh nhân về Hà Tĩnh vẫn đang chủ yếu đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… mà chưa chú trọng đầu tư vào văn hoá. Nguyên nhân là bởi họ không hề biết đến những tiềm năng đó. Tôi mong rằng, trong những lần trở về quê hương, thông qua các cuộc gặp gỡ kiều bào, lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo các địa phương sẽ chú trọng giới thiệu với kiều bào về những tiềm năng này cũng như có những chủ trương, chính sách hợp lý để các doanh nhân mạnh dạn khai thác tiềm năng văn hoá Hà Tĩnh, làm nổi bật hơn các giá trị mà cha ông để lại cũng là cách để quảng bá hình ảnh và con người Hà Tĩnh với bạn bè bốn phương.
Ông Bùi Quang Hùng – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Đức Hà Tĩnh (GVIP): Vũng Áng là khu kinh tế tiềm năng, cần được đầu tư đồng bộ
Là một người đang đầu tư ở Vũng Áng, tôi rất vui vì thời gian qua, Vũng Áng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Ngoài những chính sách của Nhà nước thì tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có tầm nhìn xa đối với sự phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng. Lợi thế cảng nước sâu, nguồn lao động dồi dào, mặt bằng đã giải phóng và những chính sách thu hút đầu tư, những bước tiến trong cải cách hành chính đang là lợi thế hấp dẫn của khu kinh tế tiềm năng này.
Ông Bùi Quang Hùng – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc GVIP đang triển khai đầu tư dự án Khu công nghiệp Việt Đức tại Khu kinh tế Vũng Áng với nguồn vốn đầu tư ban đầu khoảng 20 tỷ đồng. Ảnh Đình Nhất
Vũng Áng hiện nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng nước sâu dành cho các hãng vừa và nhỏ. Trong tương lai, nếu nhược điểm về giao thông (sự thiếu đồng bộ trong đường bộ và đường sắt) được khắc phục thì tôi tin rằng, Vũng Áng không chỉ có Formosa mà còn thu hút được nhiều tập đoàn lớn hơn nữa.
Với trách nhiệm và tình cảm của mình đối với quê nhà Hà Tĩnh, tôi và các kiều bào ở CHLB Đức sẽ kêu gọi những doanh nghiệp Đức Đức khảo sát, tìm hiểu và lập dự án đầu tư tại Hà Tĩnh.
Hiện nay, một số dự án của bạn bè tôi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điện mặt trời, điện gió, than sinh học đã và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục. Tôi cũng đang tìm đối tác cơ khí ở Hà Tĩnh để thành lập nhà máy chế biến thép tại Vũng Áng. Hy vọng, tâm huyết của kiều bào chúng tôi sẽ góp phần giúp Hà Tĩnh khai thác được tiềm năng của Khu kinh tế Vũng Áng, đưa nền KT - XH Hà Tĩnh ngày càng phát triển.