Tôm thẻ chân trắng lần đầu… “xuất ngoại”
Với chiến lược kinh doanh hướng đến sản phẩm chất lượng cao, năm 2017, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh đã mạnh dạn phát triển thị trường sang Malaysia. Tại thị trường này, tôm là 1 trong 10 loại hải sản được ưa chuộng, trong đó, sản phẩm tôm đông lạnh được ưa thích vì dễ dàng chế biến.
Công nhân Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh chế biến sản phẩm.
Ông Trần Đình Nam - Giám đốc công ty cho biết: “Cuối tháng 8/2017, chuyến hàng đầu tiên 18 tấn tôm trị giá khoảng 8,6 tỷ đồng đã tiếp cận thị trường Malaysia và chỉ sau 1 tuần thì bán hết sạch, chủ yếu là cung cấp thẳng cho các nhà hàng. Đây là một tín hiệu khả quan, mở ra hướng mới cho SXKD của công ty và người nuôi tôm Hà Tĩnh nói chung”.
Được biết, để có được chuyến hàng này, công ty đã hợp đồng với các chủ hồ nuôi tôm vùng Thạch Bằng (Lộc Hà) để thu mua nguyên liệu. Ngay từ khâu tuyển chọn đến cấp đông đều được công ty chú trọng nhằm hướng đến chất lượng sản phẩm khi tôm qua chế biến.
“Chúng tôi chọn mua tôm tại hồ và khi tôm đang sống thì cấp đông ngay. Những con tôm được lựa chọn phải là loại có cơ trong, khỏe mạnh thì khi bóc vỏ mới dễ dàng, chất lượng mới tươi ngon” - Giám đốc Trần Đình Nam nhấn mạnh.
Với tôm xuất khẩu, trung bình mỗi kg mua tại hồ có giá 180.000 đồng và khi xuất bán ra nước ngoài là 460.000 đồng. Tháng 12 tới, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh sẽ làm việc với đối tác Malaysia. Dự kiến, trong năm 2018, công ty sẽ xuất khẩu khoảng 100 tấn tôm sang thị trường này.
Phục hồi mạnh sau “sự cố”
Ngoài việc mở rộng thị trường ở lĩnh vực mới, năm 2017, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh xuất khẩu đối với sản phẩm truyền thống sushi (mực) sang thị trường Nhật Bản. Đến thời điểm này, công ty đã xuất khẩu gần 700 tấn sushi, giá trị ước đạt gần 4,1 triệu USD, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2016.
Được biết, để có được những chuyến hàng xuất khẩu này, ngay từ đầu tháng giêng, công ty đã phải khâu nối với các vùng đánh bắt thủy sản vùng biển Vịnh Bắc Bộ (từ Quảng Bình đến Thanh Hóa) để thu mua nguyên liệu. Do dư âm của sự cố môi trường biển nên việc khai thác thủy sản của người dân bị ảnh hưởng. Tuy vậy, với sự nỗ lực hết mình, doanh nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn, đưa xuất khẩu thủy sản tỉnh nhà “bứt phá”.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh: “Giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh cho thấy sự phục hồi của kinh tế biển sau hơn 1 năm xảy ra sự cố môi trường. Tôm xuất khẩu không chỉ làm tăng giá trị sản phẩm mà còn mở ra cơ hội để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng của thị trường nước ngoài, bà con cần phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình trong nuôi trồng, nhất là khâu chăm sóc nhằm đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm”.