Giáo viên, học sinh các trường THCS đang chạy đua với thời gian để ôn luyện kiến thức
Được xem là giấc mơ của nhiều học sinh trên vùng đất học, nên cứ mỗi mùa tuyển sinh vào lớp 10 là Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh lại trở thành "điểm hẹn" của hàng trăm học sinh giỏi trên mọi miền quê. Năm nay, Hà Tĩnh có 829 thí sinh đăng ký vào Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh trong khi trường chỉ có 320 chỉ tiêu.
Thầy Nguyễn Công Hoàn - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh cho biết: Năm học 2019 - 2020, trường tuyển sinh 10 lớp gồm: 2 lớp Toán, 2 lớp Anh, 1 lớp Lý, 1 lớp Hóa, 1 lớp Sinh, 1 lớp Văn, 1 lớp Sử - Địa và 1 lớp chuyên Pháp. Mỗi lớp không quá 35 em, riêng các lớp chuyên Ngoại ngữ không quá 25 em. Do đó, nhiều môn có tỷ lệ chọi cao như: Ngoại ngữ 1:4; Hóa học 1:3,3; Lý 1:3,2; Toán 1:2,7.
Em Tô Quỳnh Anh - lớp 9D Trường THCS Mỹ Châu (Lộc Hà) cho biết: Vào Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh là ước mơ em nuôi dưỡng lâu nay, chính vì thế dẫu tỷ lệ chọi ở môn Toán khá căng nhưng em cũng xác định tư tưởng và quyết tâm hết mình trong học tập, ôn luyện để thực hiện bằng được.
Sau Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, mùa tuyển sinh năm nay được xem là thử thách không nhỏ với các thí sinh có nguyện vọng vào Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) khi số lượng đăng ký lên đến 720 em (tăng so với năm trước 160 hồ sơ) trong khi chỉ tiêu tuyển sinh giảm hơn 50 em.
Học sinh Trường THCS Đại Thành (Cẩm Xuyên) tăng cường học nhóm để giúp nhau bổ sung những kiến thức thiếu hụt
Thầy Trần Xuân Toàn - Hiệu trưởng Trường THCS Đại Thành (Cẩm Thành) không dấu nỗi băn khoăn: “Dù chúng tôi đã đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng học nghề cho học sinh nhưng năm nay vẫn có 167 em đăng ký nguyện vọng vào trường THPT Cẩm Bình. Học lực của phần lớn trong số đó nằm ở mức trung bình và khá nên chúng tôi không khỏi lo lắng. Ngoài việc tăng cường các giải pháp ôn tập, chúng tôi cũng mong rằng việc quy định tuyển sinh theo địa bàn sẽ được thực hiện để giảm bớt áp lực cho các em học sinh và các nhà trường”.
Cùng với sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, các giáo viên bộ môn cũng đã tranh thủ mọi thời gian, vận dụng kinh nghiệm, để hệ thống lại kiến thức cho từng đối tượng học sinh. Cô Đậu Thị Hiền - giáo viên Tiếng Anh Trường THCS Đại Thành cho biết: “Với học sinh vùng nông thôn, kiến thức tiếng Anh còn hạn chế nên tôi rất lo. Vì thế ngoài việc dành thời gian hợp lý bù đắp kiến thức các lớp 6, 7, 8, hệ thống lại kiến thức lớp 9 và kèm theo đó là lồng ghép bài tập từ dễ đến khó, thời gian này tôi tập trung giúp các em kinh nghiệm, kỹ năng làm đề".
Cô giáo Đậu Thị Hiền - Trường THCS Đại Thành ôn luyện những kiến thức tiếng Anh cho học sinh
Quyết tâm vào trường THPT công lập, các em học sinh đang chạy đua với thời gian, dồn sức cho việc học. Em Nguyễn Thị Thương - lớp 9B Trường THCS Đại Thành cho biết: “Mặc dù học lực khá nhưng năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của Trường THPT Cẩm Bình hạn chế hơn những năm trước nên em rất lo. Vì thế, ngoài những buổi ôn tập ở lớp, thời gian ở nhà em tranh thủ làm đề cô giáo ra, lên mạng đọc thêm các bài tham khảo và tổ chức học nhóm để bổ sung kiến thức cho nhau”.
Tại trường THCS Mỹ Châu - ngôi trường được đánh giá có chất lượng dẫn đầu bậc THCS ở huyện Lộc Hà, cô Nguyễn Thị Hòa - Hiệu phó nhà trường cho biết: “Năm nay, chúng tôi có 126/172 học sinh có nguyện vọng đăng ký vào Trường THPT Mai Thúc Loan. Dù thời gian qua, trường đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, củng cố và ôn luyện kiến thức cho học sinh nhưng thực tế các em đang đứng trước kỳ tuyển sinh khá căng thẳng bởi Trường THPT Mai Thúc Loan có 609 nguyện vọng nhưng chỉ tiêu chỉ có 420 em (giảm 40 chỉ tiêu so với năm trước)”.
Giáo viên và học sinh trường THCS Mỹ Châu (Lộc Hà) vẫn miệt mài luyện kỹ năng làm bài
Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có tổng số 17.503 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ tiêu tuyển sinh là 13.670 em. Trong đó, Trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh) có 715 thí sinh đăng ký nhưng chỉ có 600 chỉ tiêu; THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên) có 610 thí sinh đăng ký nhưng chỉ tiêu chỉ có 480; THPT Hương Khê có 720 thí sinh đăng ký nhưng chỉ lấy 600 em…
Áp lực tuyển sinh là điều không thể tránh khỏi, nhưng vào trường THPT công lập của các thí sinh vẫn là mục tiêu hàng đầu. Để thực hiện ước mơ ấy, những ngày nước rút này, các em vẫn đang miệt mài chạy đua với thời gian để chuẩn bị sẵn sàng hành trang kiến thức.