Ký ức ngày giải phóng Sài Gòn của các cựu binh Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những ngày cuối tháng 4, về thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh), tôi may mắn được gặp 5 cựu binh thuộc Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) từng tham gia giải phóng Sài Gòn. Năm nay, họ đều đã gần ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn còn mạnh khỏe và thường hội ngộ nhau trong những dịp đặc biệt.

Thiếu úy Ngô Xuân Minh (SN 1953), Thiếu úy Phạm Xuân Đảm (SN 1953), Đại úy Trần Dân (SN 1955) cùng quê ở huyện Hương Sơn; Đại úy Đặng Đình Kỳ (SN 1955) và Trung tá Trần Quốc Toản (SN 1955) cùng quê Đức Thọ, đều nhập ngũ khi còn rất trẻ và được biên chế vào Sư đoàn 341 tham gia giải phóng miền Nam.

Ký ức ngày giải phóng Sài Gòn của các cựu binh Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh

Ông Ngô Xuân Minh và ông Trần Dân cùng ngồi trên xe tăng của Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: tư liệu NVCC

Thiếu úy Ngô Xuân Minh nguyên Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 kể: “Tôi quê ở xã Sơn Thịnh (nay là An Hòa Thịnh). Tháng 12/1974, tôi tham gia nhập ngũ. Sau 1 tháng được huấn luyện ở Quân đoàn 22, tôi được bổ sung vào Trung đoàn 273 thuộc Sư đoàn 341. Đơn vị của tôi sau khi tham chiến ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) thì đầu tháng 1/1975 được lệnh tiến thẳng vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Với khẩu hiệu “đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng”, tất cả cán bộ, chiến sỹ của toàn sư đoàn chúng tôi đều mang quyết tâm cao độ cho những cuộc chiến đấu sẽ diễn ra”.

Ký ức ngày giải phóng Sài Gòn của các cựu binh Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh

Các cựu binh Sư đoàn 341 tham gia giải phóng miền Nam, từ trái qua phải gồm: Ngô Xuân Minh, Trần Quốc Toản, Trần Dân, Phạm Xuân Đảm và Đặng Đình Kỳ.

Sau hơn 1 tháng hành quân, khi Sư đoàn 341 vừa vào đến Phước Lộc (Đồng Nai), đang ở vị trí tập kết tại khu vực Định Quán trên đường 20 thì gặp địch. Nhanh chóng triển khai tấn công với sức mạnh áp đảo, chỉ trong thời gian ngắn, sư đoàn đã đánh bại quân địch, buộc chúng tháo chạy. Nhiều trận đánh tiếp theo của Sư đoàn 341 liên tục giành thắng lợi, góp phần giải phóng Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương)…

Ký ức ngày giải phóng Sài Gòn của các cựu binh Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh

Ông Ngô Xuân Minh (bên trái) và ông Trần Dân cùng xem lại bức ảnh xe tăng đơn vị mình tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 được lệnh mở màn tấn công vào cửa mở thị xã Xuân Lộc - Đồng Nai (điểm chốt được xác định để quân ta thọc sâu vào sào huyệt địch - PV). Đây được xem là yết hầu, cửa ngõ quan trọng phía Bắc của Sài Gòn.

Trong ký ức của đại úy Đặng Đình Kỳ (nguyên chiến sỹ Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341), trận đánh vào cửa mở phía Bắc thị xã Xuân Lộc vẫn còn rõ từng chi tiết. Trận đánh mở màn vào 4h sáng ngày 9/4/1975. Lúc đó, địch chống trả rất ác liệt, hỏa lực của địch rất mạnh, chỉ trong 15 phút của đợt tấn công đầu tiên, đại đội đã có 10 đồng chí hy sinh và nhiều đồng chí khác bị thương. Trong đó, gần cả tiểu đội hỏa lực 9 người đã ngã xuống, 4 đồng chí chỉ huy của đại đội có 1 đồng chí là đại đội phó hy sinh, đại đội trưởng, chính trị viên và phó chính trị viên đều bị thương.

“Tôi nhớ mãi hình ảnh hy sinh anh dũng của Đại đội phó Hồ Viết Sửu, quê ở Nghệ An. Là đại đội đi đầu chịu trách nhiệm mở cửa cho các đơn vị phía sau xông vào các mục tiêu của địch, chúng tôi phải đánh tung thép gai dài khoảng 50 - 70m chằng chịt trước mặt. Tuy nhiên, dùng bộc phá vẫn không thể phá được. Trước tình thế gấp gáp, đồng chí Đại đội trưởng nghĩ ra phương án để một số đồng chí nằm lên hàng rào làm giá đỡ cho các chiến sỹ khác vượt qua.

Ngay khi Đại đội trưởng Nguyễn Quốc Hoàn hô: “Đảng viên, cán bộ nằm lên hàng rào thép gai để chiến sỹ xông lên”. Ngay lập tức, đồng chí Đại đội phó Hồ Viết Sửu làm gương xông lên, khi đồng chí vừa nằm lên hàng rào thì trúng một loạt đạn của địch và hy sinh ngay trước mắt mọi người. Sự hy sinh của đồng chí Hồ Viết Sửu càng thôi thúc ý chí chiến đấu của cả đại đội, tất cả các đồng chí là đảng viên, cán bộ khẩn trương nằm lên hàng rào thép gai làm giá đỡ để quân ta vượt qua cửa mở” - Thiếu úy Đặng Đình Kỳ nhớ lại.

Ký ức ngày giải phóng Sài Gòn của các cựu binh Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh

Cựu binh Đặng Đình Kỳ (nguyên lính Trung đoàn 270, Sư đoàn 341) kể lại những mất mát hy sinh của đồng đội trong trận mở màn đánh vào thị xã Xuân Lộc ngày 9/4/1975.

Sau 12 ngày đêm kiên trì chiến đấu (9 - 21/4/1975), Quân đoàn 4 phối hợp cùng một số đơn vị khác đã giải phóng thị xã Xuân Lộc. Sau khi thị xã Xuân Lộc được giải phóng, Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức, nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn chạy ra nước ngoài…

Nhận thấy thời cơ đã đến, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn - Gia Định. Sáng 26/4/1975, bộ phận tiền phương của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển xuống Căm Xe, phía Bắc Dầu Tiếng. 17h ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Quân ta chia thành 5 hướng bao vây Sài Gòn, Quân đoàn 4 được lệnh tấn công vào Sài Gòn theo hướng Đông.

Ký ức ngày giải phóng Sài Gòn của các cựu binh Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh

Bộ đội ta đánh chiếm thị xã Xuân Lộc - Long Khánh. Ảnh tư liệu.

Lúc này, Sư đoàn 341 (thuộc Quân đoàn 4) là một trong những đơn vị được lệnh nổ những phát súng đầu tiên vào Chi khu Trảng Bom (Biên Hòa) mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau nhiều trận chiến đấu dữ dội diễn ra tại mắt xích trọng yếu trên tuyến phòng ngự của đối phương, quân ta đã đánh tan quân địch, giải phóng hoàn toàn Chi khu Trảng Bom.

Trên đà thắng lợi, Quân đoàn 4 nói chung và Sư đoàn 341 nói riêng tiến đánh giải phóng Hố Nai, sân bay Biên Hòa. Sáng 30/4, Sư đoàn 341 tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Khoảng hơn 12h30’ ngày 30/4, đoàn xe tăng của Trung đoàn 273, Sư đoàn 341 tiếp cận Dinh Độc Lập, chỉ sau các đơn vị của Quân đoàn 2 đến trước đó hơn 1 giờ.

Đại úy Trần Dân kể: “Sau một hành trình chiến đấu liên tục 21 ngày đêm không nghỉ, kể từ trận mở màn đánh vào thị xã Xuân Lộc (ngày 9/4), khi vào đến Dinh Độc Lập và chứng kiến lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh, tôi vẫn chưa thể tin đó là sự thật. Tiếng hò reo vui mừng của đồng đội và sự cổ vũ của người dân Sài Gòn khiến tôi bừng tỉnh và vỡ òa trong niềm vui chiến thắng”.

Còn Thiếu úy Ngô Xuân Minh chia sẻ: “Trong cả hành trình tiến vào Sài Gòn và Dinh Độc Lập, điều tôi bất ngờ và suy nghĩ mãi cho đến tận sau này là hình ảnh quân ta đi đến đâu, cờ giải phóng lập tức treo lên ở đó. Hàng ngàn lá cờ giải phóng dường như đã được bà con nhân dân thành phố chuẩn bị từ trước đó rất lâu, tung bay trên phố phường trong niềm vui sướng của đồng bào. Khí thế đó tạo nên sức mạnh, cổ vũ rất lớn đối với những người lính giải phóng”.

Ký ức ngày giải phóng Sài Gòn của các cựu binh Sư đoàn 341 ở Hà Tĩnh

Mỗi dịp tháng Tư về, các cựu binh tham gia giải phóng Sài Gòn lại bồi hồi ôn lại những ký ức hào hùng của tuổi trẻ. Trong ảnh: từ trái qua phải là các cựu binh: Trần Quốc Toản, Phạm Xuân Đảm và Trần Dân.

Sau khi Sài Gòn được giải phóng, tất cả 5 cựu binh: Ngô Xuân Minh, Trần Dân, Đặng Đình Kỳ, Phạm Xuân Đảm và Trần Quốc Toản đều theo đơn vị ở lại làm nhiệm vụ quân quản và xây dựng kinh tế.

Tháng 12/1976, ông Đặng Đình Kỳ được cử đi học sỹ quan tại Bắc Ninh. Giữa năm 1977, Sư đoàn 341 được lệnh lên đường đến biên giới Tây Nam chiến đấu và sau đó sang Campuchia làm nhiệm vụ bảo vệ hòa bình. Năm 1980, Sư đoàn 341 được điều động ra miền Bắc, ông Ngô Xuân Minh, Phạm Xuân Đảm, Trần Dân chuyển ngành, riêng ông Trần Quốc Toản tiếp tục ở lại đơn vị.

Nhớ về ký ức ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại úy Đặng Đình Kỳ bày tỏ: “Tôi còn nhớ như in cảm xúc của mình lúc cùng mấy anh em nằm trên bãi cỏ trước Dinh Độc Lập trong buổi trưa đầu tiên ngày giải phóng. Lúc đó, giữa khung cảnh bình yên mà phải rất lâu rồi mới chứng kiến, lòng tôi rưng rưng nghĩ đến những đồng đội đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến. Đến bây giờ, mỗi dịp 30/4, khi ôn lại những ngày tháng chiến đấu oanh liệt, tôi vẫn không nguôi thương nhớ về đồng đội đã nằm lại trước cửa ngõ Sài Gòn. Vì Tổ quốc, họ đã hy sinh để miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, phát triển như ngày hôm nay”.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.