Ký ức những ngày theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

(Baohatinh.vn) - Đã mười năm kể từ khi được tham gia chuyến hành trình “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” nhưng ký ức về những cuộc gặp gỡ với các CCB tàu không số và bà con miền Nam vẫn chưa hề phai nhạt trong tôi.

Ký ức những ngày theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Các đại biểu tham gia hành trình trong giờ phút chuẩn bị lên tàu, khám phá các dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh tư liệu

Ngày 4/10/2011, tôi vinh dự được tham gia hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển cùng 160 đại biểu là cựu chiến binh (CCB) đoàn tàu không số và đại diện thanh niên, nghệ sỹ, phóng viên, chiến sỹ tiêu biểu trên toàn quốc. Đây là sự kiện được Trung ương Đoàn tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng) qua các bến Sông Gianh (Quảng Bình), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Bến Vũng Rô (Phú Yên), 171 (Vũng Tàu), Thạnh Phong (Bến Tre), Vàm Lũng (Cà Mau) và cập cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh).

Ký ức những ngày theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Các CCB thắp hương tưởng niệm đồng đội tại bến Sông Gianh (Quảng Bình). Ảnh tư liệu

Tham gia hành trình, điều đáng quý nhất là chúng tôi có sự đồng hành của các CCB từng là thuyền trưởng, lái tàu không số, từng vào sinh ra tử trên cung đường huyền thoại đó. Tại các bến năm xưa, đoàn tàu không số từng ghé để cất giấu, vận chuyển vũ khí lên bờ, tiếp viện cho tiền tuyến, chúng tôi đã cùng các CCB tổ chức lễ tưởng niệm, dâng hương các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chúng tôi cũng được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử tại các bến tàu, được diễn tập trận giả nhằm tái hiện lại những chiến tích một thời trên con đường huyền thoại.

Ký ức những ngày theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Tham gia hành trình, các đại biểu còn được tập trận giả như chuyện kể của các CCB. Ảnh tư liệu

Vào những đêm biển lặng, chúng tôi thường theo chân các CCB lên boong tàu ngồi và nghe các bác ôn lại chuyện cũ. Chuyện về những lần bị địch phục kích, vây bắt, chuyện về những lần đưa vũ khí lên bờ được bà con bao bọc, che chở khiến lớp trẻ chúng tôi càng thấm nhận sâu sắc hơn về công lao giữ gìn đất nước của thế hệ cha anh. Chúng tôi hiểu rằng, trên con đường không dấu chân ấy, mỗi chuyến đi là một “cửa tử” bởi bộ đội ta không chỉ phải mưu lược chiến đấu với kẻ thù mà còn phải kiên cường ứng phó với sóng biển.

Ký ức những ngày theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Một giờ phút vui vẻ của một trung đội (đoàn hành trình chia thành 4 trung đội) với CCB trong đoàn. Ảnh tư liệu

Tôi nhớ CCB Nguyễn Đắc Thớ - nguyên là máy trưởng tàu 641 đã trầm ngâm nói: “Cũng xác định phải hy sinh trong mỗi chuyến đi nhưng không giống trên bộ, mỗi cán bộ, chiến sỹ khi tham gia đoàn tàu không số, cùng một lúc phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn. Đó là sự truy kích của địch, là những con sóng lớn, là những bất thường của thời tiết. Các bác đã thực hiện nhiệm vụ với sự khôn khéo, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm nhằm mục đích bảo vệ hàng, vũ khí và đảm bảo bí mật về chủ trương của Đảng, về con đường, về bến bãi…”.

Từ cuộc hành trình ấy, chúng tôi đã được mở mang kiến thức lịch sử, biết nhiều hơn những chứng tích chiến tranh trên dặm dài đất nước. Cũng từ cuộc hành trình ấy, chúng tôi biết thêm những người con anh hùng của Tổ quốc như: Bông Văn Dĩa, Phan Văn Nhờ, Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiển…

Ký ức những ngày theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Đại biểu đoàn hành trình trong một hoạt động lửa trại của hành trình. Ảnh: Trọng Hải - Báo Quân đội nhân dân.

Tôi nhớ mãi những câu chuyện cảm động trên bến Vũng Rô (Phú Yên), Vàm Lũng (Cà Mau) với những cuộc hội ngộ đặc biệt. Đó là câu chuyện mà CCB Hồ Đắc Thạnh - nguyên là thuyền trưởng tàu 41 đã rưng rưng kể lại khi tàu chúng tôi cập bến Vũng Rô. Sau thành công của chuyến hàng thứ 3, đêm giao thừa tết Ất Tỵ, sau khi ăn tết cùng bà con trên bến Vũng Rô, đoàn thủy thủ tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ.

Ký ức những ngày theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Trung tá Hồ Đắc Thạnh - Anh hùng LLVTND, người viết lên huyền thoại Vũng Rô. Ảnh: internet

Giờ phút chia tay, cô gái giao liên trao cho ông Hồ Đắc Thạnh một bọc nhỏ với lời nhắn nhủ: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên cường, bất khuất (…) Có súng, có đạn của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ là điểm tựa của những chiến công, là mồ chôn thây quân giặc cướp nước!”. Nắm đất ấy giờ nằm trong bảo tàng Quân chủng Hải quân Việt Nam như một chứng tích của những năm tháng chiến đấu gian lao, anh dũng mà thấm đượm nghĩa tình quân dân Việt Nam.

Ký ức những ngày theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Các đại biểu của của đoàn hành trình Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển tham gia trò chơi giải mật mã để tìm các địa danh lịch sử trên sông Lũng năm 2011.

Đó là cuộc tái ngộ của CCB Đỗ Xuân Tâm (ở Hải Phòng) với cô du kích Út Lợi tại bến Vàm Lũng. Khi bác Tâm cùng đồng đội cập bến Vàm Lũng đã được cô Út Lợi (bấy giờ mới 13 tuổi) cùng gia đình che chở, bảo vệ. 50 năm đã trôi qua nhưng thật ngạc nhiên là cô Út Lợi nhận ra ngay bác Tâm khi bác vừa trên tàu xuống. Tiếng gọi “anh Tâm, anh Tâm” của cô hôm đó không chỉ khiến bác Tâm và cả tàu chúng tôi xúc động mà còn vọng vào tâm khảm tôi đến tận hôm nay. Một tiếng gọi bình thường mà thân thương, mà tha thiết nghĩa tình, cho tôi thấy thêm quyến luyến mảnh đất chót cuối của Tổ quốc.

Bến Vàm Lũng còn trở thành ký ức đặc biệt trong tôi khi đây chính là nơi con tàu Phương Đông 1 mang theo 30 tấn vũ khí từ miền Bắc cập bến an toàn vào ngày 16/10/1962, khai thông đường Hồ Chí Minh trên biển đồng thời cũng là bến cuối của tuyến đường huyền thoại này. Tại đây, chúng tôi còn được đến thăm nhà anh hùng Bông Văn Dĩa - Chính trị viên của tàu gỗ Phương Đông 1, được nghe cô Bông Thị Ưa - con gái bác Dĩa kể cho nghe nhiều câu chuyện về cha mình…

Ký ức những ngày theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển

Tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu Phương Đông 1 do đồng chí Chính trị viên Bông Văn Dĩa và Thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy đã chở 30 tấn vũ khí đầu tiên vào bến Rạch Gốc (Cà Mau) thành công, ngày 16/10/1962. Ảnh: internet

Giờ đây, các đại biểu trên chuyến tàu HQ 996 năm ấy người còn, người mất nhưng những cảm xúc, những nhận thức mới mẻ về lịch sử, về tình yêu Tổ quốc, tình yêu đồng bào… vẫn vẹn nguyên trong tâm thức thế hệ trẻ chúng tôi, trở thành động lực để chúng tôi cống hiến, xây dựng quê hương.

Ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759, mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đường Hồ Chí Minh trên biển đã giúp vận chuyển gần 9.000 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và đại pháo; đưa gần 19.000 cán bộ, chiến sĩ vượt 66.000 hải lý kịp tham gia chiến đấu, hiệp đồng tác chiến với cánh quân đường bộ, trực tiếp góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.