Theo ghi nhận, kể từ đầu tháng 3 đã có 14 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động vốn. Việc giảm lãi suất tiền gửi được các "nhà băng" thực hiện nhằm tạo dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ngày 15/3, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tại nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động cao nhất tại tổ chức tín dụng này chỉ còn 4,7%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,7%/năm xuống 1,6%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng giảm từ 2%/năm xuống 1,9%/năm.
Đối với các kỳ hạn 6 - 11 tháng, lãi suất được Agribank giữ nguyên ở mức 3%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng đã được Agribank giảm 0,1% (từ 4,8%/năm xuống 4,7%năm), kỳ hạn 24 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,7%/năm.
Được biết, sau lần điều chỉnh này, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 - 5 tháng tại Agribank đang thấp nhất trong nhóm “big 4”; còn lãi suất kỳ hạn 6 - 18 tháng của Agribank hiện ngang bằng với Vietcombank và cũng thấp nhất hệ thống.
Nhìn chung, mặc dù lãi suất huy động vốn giảm song sức gửi tiết kiệm tại Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II thời gian qua vẫn tăng trưởng khá bởi “nhà băng” này đang triển khai chương trình tiết kiệm dự thưởng với nhiều giải thưởng có giá trị lớn.
Theo ông Võ Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II: Tổng nguồn vốn huy động toàn chi nhánh hiện đạt trên 13.000 tỷ đồng. Động thái hạ lãi suất huy động vốn gần đây sẽ tạo dư địa để tiếp tục kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đầu tư sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Hiện nay, VietinBank Hà Tĩnh cũng duy trì mức lãi suất huy động khá thấp với kỳ hạn 1 tháng là 1,9%/năm, 3 tháng là 3,2%/năm, 12 tháng là 4,8%/năm...
Tại Vietcombank Hà Tĩnh, kỳ hạn gửi tiết kiệm 1 tháng hiện ở mức 1,7%/năm, 3 tháng là 2%/năm, 6 tháng là 3%/năm, 12 tháng là 4,7%/năm...
Khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng ghi nhận động thái giảm lãi suất gửi tiết kiệm trong tháng 3 này.
Cụ thể, ngày 15/3, ACB Hà Tĩnh điều chỉnh giảm lãi suất huy động, nhưng việc điều chỉnh chỉ diễn ra với kỳ hạn tiền gửi 12 tháng. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại ACB giảm 0,1% xuống còn 4,7%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm dưới 200 triệu đồng.
Cũng với mức giảm tương tự, ACB niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đối với tài khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng là 4,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng với tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng là 4,85%/năm. Hiện nay, lãi suất cao nhất tại ACB là 4,9%/năm cũng áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng đối với tài khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.
Trong tháng 3 này, VPBank Hà Tĩnh cũng đã giảm lãi suất huy động vốn. Cụ thể, gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại VPBank là 2,2%, 3 tháng là 2,4%, 6 tháng là 3,9%/năm, 12 tháng là 4,2%/năm. Cùng đó, VPBank niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,8%/năm đối với kỳ hạn gửi 36 tháng có hạn mức tiền gửi trên 50 tỷ đồng…
Theo nhân viên của VPBank Hà Tĩnh, lãi suất huy động vốn giảm đã tác động tới việc gửi tiết kiệm của khách hàng trong giai đoạn này. Hiện nay, lãi suất thấp, không ít người đến kỳ tất toán sổ tiết kiệm đã quyết định rút để đầu tư vào các kênh như: bất động sản, vàng… khi nhìn thấy những dấu hiệu tích cực từ các thị trường này.
Theo ghi nhận, lãi suất tiền gửi thấp nhất hiện nay tại Hà Tĩnh là 1,6%/năm đối với kỳ hạn gửi 1 tháng và lãi suất cao nhất với kỳ hạn gửi 18 tháng là 5,7%/năm.
Chị Nguyễn Mai Hoa (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) cho hay: “Lãi suất tiền gửi hiện nay không còn hấp dẫn đối với nhiều khách hàng. Lãi suất huy động vốn đi xuống nên gia đình tôi chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn (3 tháng) để tiếp tục “nghe ngóng” tình hình và quyết định kênh đầu tư phù hợp trong thời gian tới”.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tính đến đầu tháng 3/2024 đạt khoảng 104.350 tỷ đồng, tăng khoảng 3,8% so với thời điểm cuối năm 2023. Hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động vốn trên địa bàn đang giảm. Đây là động thái cần thiết của các tổ chức tín dụng nhằm hướng tới mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ đồng hành cùng nền kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu.