Thương binh Lê Trọng Nhị cùng lãnh đạo xã đi thăm rừng keo trên 5 ha của mình
Cùng các lãnh đạo Hội Cựu chiến binh xã Đức Bồng đến thăm gia đình thương binh làm kinh tế giỏi Lê Trọng Nhị (sinh năm 1956), chúng tôi được thỏa sức chiêm ngưỡng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp quy mô và đẹp mắt. Cả một góc rừng, qua chính đôi bàn tay của người thương binh đã mất một phần thân thể ở chiến trường là màu xanh ngút ngàn của cây trái, là bát ngát những ao hồ, mặt nước; san sát những dãy chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm…
Sau nhiều năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Cam-pu-chia, năm 1981, ông Lê Trọng Nhị rời quân ngũ trở về quê hương và hưởng chế độ thương binh hạng ¾. Thời gian đầu sau khi lập gia đình, vợ chồng ông gặp rất nhiều khó khăn do sức khỏe giảm sút, cộng với quanh quẩn với mấy sào ruộng và mảnh vườn tạp không có thu nhập. Cuộc sống đói nghèo đã đặt ra cho người lính đã từng xông pha trên các chiến trường nhiều trăn trở.
Hiện tại, trên 1 ha cam chanh của ông Nhị đã cho thu hoạch
Với bản chất và nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo và ý chí quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, được sự động viên giúp đỡ của chính quyền địa phương và các cấp hội cựu chiến binh, thương binh Lê Trọng Nhị đã quyết tâm bắt tay khai hoang, cải tạo và phát triển kinh tế vườn rừng, vốn là thế mạnh ở địa phương.
“Trên chiến trường mình còn đủ bản lĩnh để sống và chiến đấu với kẻ thù, thì không lý do gì khi về với quê hương mình, trên lĩnh vực làm kinh tế, với điều kiện tự nhiên dồi dào, lại được sự sát cánh giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền, của hội và của bà con mà mình lại cam tâm chịu đói nghèo… Tuy nhiên, do hạn chế về sức khỏe; lại không có nguồn lực ban đầu nên phải vất vả rất nhiều, vợ chồng tôi mới xây dựng được cơ ngơi tạm ổn như hôm nay”.
Ngày đó, nguồn rừng chưa mấy ai khai phá, sử dụng nên khá dồi dào. Với tầm nhìn chiến lược, từ năm 1999, ông Nhị đã mạnh dạn nhận thầu 10 ha rừng sản xuất và tổ chức quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất theo cơ cấu hợp lý.
Dù đã vay mượn được một số vốn nhưng không thể đủ trang trải để đầu tư sản xuất theo quy hoạch, vợ chồng ông chọn cách làm lấy ngắn nuôi dài. Từ nguồn thu ban đầu của các loại cây ngắn ngày và thả nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, ông Nhị tích vốn cộng với vay thêm ngân hàng trồng hơn 2 ha cam chanh (đến nay khoảng 1 ha đã cho thu hoạch), trên 5 ha cây keo nguyên liệu; xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi thường xuyên 600 con lợn/lứa, gần 1.000 con gia cầm các loại…
Khu chuồng trại chăn nuôi của ông Nhị nuôi thường xuyên có 600 con lợn/lứa
Nhờ đầu tư đúng hướng, áp dụng tốt các tiến bộ KHKT và biết cách quản lý, điều tiết sản xuất, các loại cây trồng, vật nuôi của trang trại đều phát triển tốt và sớm cho thu hoạch. Nhiều năm qua, trừ các khoản chi phí, tổng thu nhập từ mô hình mỗi năm đạt trên 400 triệu đồng; góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Sau những giờ lao lao động mệt nhọc, ông Nhị vui với vườn lan rừng của mình
Cuộc sống không còn khó khăn, gia đình ông Nhị chú trọng tới việc xây dựng cảnh quan khu trang trại chăn nuôi, vườn rừng, nhà cửa xanh, sạch, đẹp. Ông dành thời gian quy hoạch khu vườn nhà và trồng hơn 100 gốc lan rừng. Sau những buổi làm việc vất vả, thú vui bên những giò lan giúp ông cảm nhận rõ hơn giá trị của cuộc sống hòa bình sau những năm tháng chiến đấu trên chiến trường ác liệt.
Ông Nhị thường chia sẻ với bà con rằng, không chỉ làm kinh tế để nâng cao thu nhập, mỗi gia đình còn cần làm mới, làm đẹp cuộc sống, cùng góp sức xây dựng xóm làng sạch đẹp, xã nhà nông thôn mới.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Lê Trọng Nhị còn là hạt nhân tích cực, gương mẫu trong tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới. Những việc làm thiết thực của thương binh Lê Trọng Nhị luôn được cấp ủy, chính quyền, hội CCB các cấp cũng như bà con ở địa phương ghi nhận, đánh giá cao, tạo được sức lan tỏa khá rõ nét trong phong trào làm kinh tế vườn rừng và xây dựng NTM trên địa bàn xã”.