Nên hiểu rằng đi đám cưới để chúc mừng cô dâu chú rể, chứ không phải đi nhậu; mất kiểm soát sẽ tạo hình ảnh xấu trong mắt mọi người.
Nguyễn Văn H. (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) vừa tổ chức đám cưới được gần 2 tuần. Vui vì cưới được vợ nhưng cũng có những kỷ niệm trong đám cưới mà H không thể nào quên, đặc biệt là “có thằng bạn thân say quắc cần câu, nổi bật hơn cả chú rể”.
Mang danh là bạn thân chú rể uống mừng niềm vui của đôi uyên ương, để rồi người bạn này liên tục rót đầy bia, nâng ly cùng mọi người trong bàn. Kết quả là khi tiệc cưới còn chưa được nửa thời gian thì đã có một nhân vật say bét nhè, quần áo xộc xệch, đi lại xiêu vẹo, luôn miệng “trăm phần trăm”, “dô dô”.
“Xấu” hơn, người này còn lên sân khấu, giành micro của MC để phát biểu chúc mừng. “Say đến nỗi không nhớ nổi tên cô dâu chú rể rồi gục luôn tại sân khấu thì quả là hết nói” - chú rể H. ái ngại.
Việc cụng ly chào hỏi hay chúc mừng là nét văn hóa lâu nay trong các tiệc cưới nhưng mọi thứ cần có giới hạn. Nên hiểu rằng đi đám cưới để chúc mừng cô dâu chú rể chứ không phải đi nhậu, đừng để thói quen nhậu nhẹt mất kiểm soát tạo thành hình ảnh xấu xí trong mắt mọi người ở tiệc cưới.
Ông bà ta thường có câu “ăn xem nồi, ngồi xem hướng”, câu chuyện lễ nghi và phép tắc khi ăn uống luôn là đề tài được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ những quy tắc đó nên đôi khi trở thành người kém lịch sự trên bàn tiệc, nhất là trong tiệc cưới. Có đến 3 năm làm MC đám cưới, bạn T.L. không ít lần phải ngán ngẩm trước những vị khách “mất lịch sự” tại các cuộc vui của nhiều đôi uyên ương.
Dùng bữa khi cô dâu chú rể đã hoàn tất xong phần lễ chính là sự tôn trọng của khách mời giành cho chủ nhân bữa tiệc. (Ảnh: Internet)
Số là trong đám cưới thường có 2 phần là phần lễ và phần tiệc. Nhưng tại một số đám cưới, mặc cho cô dâu chú rể còn chưa tiến hành làm lễ thì khách ở dưới hội trường đã “cầm đũa vào mâm”.
“Thông thường, khi cặp đôi uyên ương tiến hành làm lễ là mọi người cùng dùng bữa để cùng nâng ly chúc mừng hạnh phúc. Thế nhưng, tại một số đám cưới có những vị khách “kém sang” ngồi vào bàn là ăn uống tù tì rồi đứng dậy về trước mặc kệ nhân vật chính còn chưa xuất hiện và MC thì liên tục nhắc khéo”, T.L chia sẻ.
Còn chị Ngô Thị M. (TX Hồng Lĩnh), dưới góc nhìn một khách mời đã chia sẻ thêm: “Sau phần cô dâu chú rể trao nhẫn sẽ đến tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, nhiều khách dự đám cưới là bạn bè của cô dâu, chú rể xung phong lên hát. Không phải ai cũng hát hay, nhiều người hát dở nhưng hát hết bài này đến bài khác khiến người ngồi dưới vừa mệt vì phải nghe, vừa ngượng khi không biết phải cổ vũ như thế nào cho phải”.
Món quà âm nhạc nên vui vẻ, văn minh, lịch sự, tránh những bài hát chia ly, sầu thảm trong ngày vui. (Ảnh: Internet)
Chuyện hát trong đám cưới không xa lạ, kể cả ở thành thị hay nông thôn. Ngoài các phần ca múa nhạc do nhà đám chủ trì, thuê những người có chuyên môn, nghiệp vụ về biểu diễn, sẽ có phần để khách mời cùng hát, chia vui với tiệc cưới.
Ủng hộ việc ca hát, văn nghệ, với tinh thần phải vui vẻ, văn minh, lịch sự nhiều người cho rằng không nhất thiết phải hát hay mới nên hát, tuy nhiên không nên ăn mặc lố bịch, hát những ca khúc lời lẽ không trong sáng hoặc những bài hát chia ly, sầu thảm trong ngày vui của các bạn trẻ.
Trên đây là những tình huống “dở khóc dở cười” dễ thấy trong đám cưới mà nhiều người gặp phải. Vậy nên, dù đám cưới truyền thống hay hiện đại, việc ứng xử có văn hoá trong tiệc cưới không chỉ là thể hiện phong cách cá nhân mà còn là sự tôn trọng của người khách đối với chủ bữa tiệc.