Trên cánh đồng rau bạt ngàn xanh mướt ở Thạch Liên trong những ngày này luôn nhộn nhịp bởi không khí khẩn trương, hối hả của bà con. Khắp làng trên xóm dưới, nhịp sống như tập trung cả vào những luống rau, củ xanh mướt đang chờ đón bàn tay người thu hoạch để kịp thời đón tết. Rau tết Thạch Liên tỏa đi khắp nơi, thậm chí bày bán ngay bên ruộng. Rau, củ, quả Thạch Liên thu hút người mua bởi sản phẩm sạch, tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Niềm vui người trồng rau.
Đang thoăn thoắt cắt đám su hào cho khách chờ ngay trên bờ ruộng, chị Trương Thị Vân (thôn Thọ) phấn khởi: “Dù năm nay thời tiết mưa nhiều, rất khó trồng, nhưng nhờ dốc sức chăm sóc nên 5 sào su hào và bắp cải cũng phát triển rất tốt. Hiện tại, mỗi kg su hào bán tại ruộng 15 ngàn đồng, bắp cải tùy theo trọng lượng, cũng được bán từ 10 ngàn đồng/bắp trở lên, nên cho thu nhập khá. Theo thời vụ như năm ngoái, càng gần tết, giá bán lại càng cao nên chúng tôi hy vọng sẽ được một vụ rau tết khấm khá”.
Dù chỉ trồng 1 sào nhưng nhờ tập trung đầu tư chăm bón nên vụ rau này, vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh (thôn Khang) cũng có nguồn thu khoảng 10 triệu đồng. Anh cho biết: “Trồng rau không mất nhiều tiền vốn nhưng để đảm bảo quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì phải tốn nhiều thời gian, đặc biệt là phải bỏ nhiều công chăm bón, vun xới. Chúng tôi đã thực hiện theo đúng quy trình được tập huấn và kết quả là có một vụ rau năng suất, an toàn. Tôi căn đúng lịch, chăm sóc tốt nên rau đã bắt đầu cho thu hoạch, vừa bán đúng dịp tết. Chỉ 1 sào rau nhưng gia đình sẽ có cái tết khá xôm”.
Rau được bán ngay bên mé ruộng
Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, nghề trồng rau được hay mất phụ thuộc vào lứa rau tết bởi đây là thời điểm giá bán cao nhất trong năm. Chính vì thế, người dân phải căn thời điểm xuống giống, tập trung chăm sóc theo quy trình rau sạch để có sản phẩm sạch, bán đúng dịp tết mới có thu nhập cao.
Ông Nguyễn Hữu Trung - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả an toàn thôn Thọ, cho biết: “Tổ hợp tác chúng tôi có 34 thành viên sản xuất trên diện tích 2,4 ha. Dù đầu vụ xuống giống thời tiết không thuận lợi, nhưng quá trình sinh trưởng thời tiết tốt nên không mấy ảnh hưởng đến năng suất. Với mức giá hiện tại và sự phát triển của các loại su hào, bắp cải, súp lơ trên đồng ruộng, ước tính, trừ chi phí, người nông dân cũng có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/sào”.
Trồng với quy mô tập trung, lại tuân thủ nghiêm khắc quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên dù thị trường rau trôi nổi với nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, giá cũng mềm hơn rất nhiều, nhưng rau Thạch Liên vẫn được người tiêu dùng lựa chọn và mức giá vẫn luôn ổn định khiến người nông dân có thể yên tâm gắn bó với loại cây trồng cần nhiều công chăm bón này.
Tập trung chăm sóc rau phục vụ tết
5 năm gần đây, khi rau xanh được giá, ngoài phong trào tự phát của người dân, chính quyền địa phương đã có chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa cao cạn, kém năng suất để quy hoạch trồng rau. Những tổ hợp tác với hàng trăm hộ năng động trong chuyển đổi cây trồng đã thoát khỏi khó khăn và có cuộc sống khá giả hơn nhờ trồng rau chuyên nghiệp. Thạch Liên trở thành vựa rau sạch được nhiều người tiêu dùng trên địa bàn Hà Tĩnh biết tới.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Danh Luân cho biết: “Hiện tại, toàn xã đã có 5 tổ hợp tác với diện tích trên 20 ha, trải đều ở 3 thôn: Thọ, Khang, Nguyên. Người làm rau Thạch Liên ngày càng tập trung cho nghề trồng rau, với quan điểm là chú trọng sản xuất rau sạch để xây dựng thương hiệu. Với tinh thần ấy, ngoài việc tạo điều kiện cho các tổ hợp tác được hưởng các chính sách ưu đãi, xã còn phối hợp hỗ trợ bà con làm hàng rào, hệ thống đường giao thông, hồ chứa nước, kênh mương, hệ thống điện với tổng trị giá trên 300 triệu đồng. Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng vùng rau và tiếp tục chỉ đạo, giám sát sản xuất rau an toàn để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, đưa lại thu nhập cao hơn cho người dân”.
Dẫu đầu ra sản phẩm chưa được bao tiêu nhưng thương hiệu là yếu tố quyết định để sản phẩm rau sạch Thạch Liên luôn ổn định đầu ra và giá cả. Niềm vui mùa thu hoạch của người nông dân hiện hữu trong không khí rộn ràng vào vụ tết. Những ánh mắt cười của các bác nông dân dưới ruộng rau như báo hiệu một mùa xuân ấm hơn, vui hơn.