Giờ học thực hành của các học viên khoa Du lịch - Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh
Hà Tĩnh hiện có nhiều cơ sở đào tạo chuyên ngành chế biến ẩm thực với nhiều trình độ khác nhau và thu hút được lượng lớn học viên đăng ký tham gia. So với các ngành học khác, thời gian cho một khóa học nấu ăn tương đối ngắn, chỉ cần 1 năm là đã có thể được cấp chứng chỉ để trở thành đầu bếp chuyên nghiệp. Với những khóa nấu ăn đơn giản thì chỉ mất từ 3 - 6 tháng là đã hoàn thành.
Bên cạnh đó, nghề bếp có thời gian học linh hoạt, không đòi hỏi thi đầu vào, chi phí học phù hợp với nhiều đối tượng như học sinh mới tốt nghiệp THCS, THPT, sinh viên đang theo học đại học, người đã đi làm… Sau khi học xong, người học có thể xin thực tập tại các nhà hàng, khách sạn để tích lũy kinh nghiệm, sáng tạo trong quá trình chế biến món ăn.
Với những ưu thế đó, số lượng người theo học nghề này ngày càng tăng và công tác đào tạo cũng cho thấy những kết quả nhất định.
Thầy Nguyễn Xuân Sâm - Trưởng khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cho biết: “Nếu như năm 2013, nghề nấu ăn ở trường chúng tôi chỉ có 1 lớp, với 18 học viên theo học thì đến nay đã có đến 23 lớp, với gần 800 học viên từ trình độ trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên (theo nhu cầu của người học). Trên 85% học viên khoa Du lịch sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng".
Sự sáng tạo là yếu tố cần thiết để thành công trong nghề nấu ăn
Khác với suy nghĩ của nhiều người khi coi việc bếp núc là của phái nữ, hiện nay, nam giới cũng đã lựa chọn nghề nấu ăn và theo học một cách bài bản, nghiêm túc như bao nghành nghề khác.
Bạn Lưu Văn Nam (phường Thạch Quý – TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp phổ thông, gia đình muốn tôi theo học nghề lái máy nhưng tôi quyết định chọn nghề nấu ăn. Ban đầu, mọi người không ủng hộ vì cho rằng con trai học nghề bếp không phù hợp. Hơn 1 năm theo học, tôi đã có công việc ổn định tại nhà hàng với mức lương 8 triệu/ tháng. Đa số các học viên cùng khóa với tôi kiếm được việc làm phù hợp, một vài người còn mở được nhà hàng riêng.”
Học viên thực hành chế biến món ăn tại các lớp đào tạo chuyển đổi nghề cho người dân các địa phương vùng ven biển (Ảnh: Đức Cường)
Sau sự cố môi trường biển, một bộ phận lao động tại các địa phương vùng ven biển đã được đào tạo chuyển đổi nghề và không ít trong số đó cũng chọn nghề nấu ăn. Chị Nguyễn Thị Mai (Thạch Bằng - Lộc Hà) sau 3 tháng tham gia lớp học chuyển đổi nghề đã xin vào làm việc cho một cơ sở chuyên nấu mâm cỗ trong vùng. Chị Mai cho biết, thu nhập ổn định hơn 4 triệu đồng/tháng đối với lao động ở nông thôn là khá ổn. Mặc dù, nghề biển cũng đã phục hồi nhưng chị vẫn chọn theo nghề nấu ăn thay vì quay lại buôn bán hải sản nhỏ lẻ như trước đây.
Dù có xu hướng tăng số lượng người học, nhưng ngành dịch vụ ẩm thực hiện nay đang rất thiếu các đầu bếp có tay nghề cao. Theo thầy Trần Xuân Sâm: “Dù nhiều người tốt nghiệp các khóa học nấu ăn nhưng để đáp ứng yêu cầu của một đầu bếp chuyên nghiệp cần rất nhiều điều kiện. Vì vậy người học cần có cái nhìn thực tế về ngành nghề mà mình theo đuổi. Sự chăm chỉ, không ngừng học hỏi và sáng tạo, lao động cần mẫn, chuyên tâm là bí quyết để thành công trong nghề này”.