Nhờ bón đậu tương, cam của ông Hùng cho quả đẹp, ngọt và thơm.
Dáng người cao, nước da rám nắng và giọng nói đầy hào sảng là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với ông. Để thăm vườn cam, ông Hùng mời chúng tôi cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thủy lên chiếc xe ô tô bán tải.
Thấy khách còn thắc mắc, ông giải thích: “Trang trại cam, bưởi tôi rộng hơn 16 ha, nếu đi bộ thì đến tối chắc cũng chưa hết được”.
Đến hiện tại, diện tích cây ăn quả của ông Hùng lên đến 16 ha.
Hơn 15 năm trước, ông Hùng về xã Hương Thủy nhận đất rừng, khai hoang làm trang trại. Đến nay, hàng chục ha cam, bưởi với khoảng 7.000 gốc đang phát triển xanh tốt. Năm 2016, qua tìm hiểu, ông Hùng biết đến phương pháp bón đậu tương cho cam để cây tốt và quả ngọt hơn. Tuy nhiên, phải đến năm 2018, khi hoàn thành hệ thống tưới tiêu thì trang trại mới áp dụng đại trà.
Ông Hùng dẫn chúng tôi thăm vườn bằng xe ô tô bán tải
Ông cho biết, đậu tương ở đây không phải là bã đậu mà là đậu nguyên hạt. Riêng năm nay, ông mua về hơn 10 tấn đậu (chủ yếu là đậu tương và một số loại đậu khác), xay thành bột để bón cho cây trồng, thay thế hoàn toàn các loại phân bón khác.
Ông Hùng khẳng định: Đây được coi là đạm thực vật, không có loại phân bón nào tốt bằng đậu tương. Kết quả không chỉ nâng cao chất lượng quả, cam ngọt và thơm hơn mà cây còn phát triển ổn định, ít bị sâu bệnh.
Để có thể áp dụng mô hình bón đậu tương cho cây cam, ông phải đầu tư hệ thống tưới gần 2 tỷ đồng.
Nói là vậy, song để có thể nuôi cam bằng đậu tương là cả quá trình gian khổ, kiên trì. “Trước tiên, để áp dụng, trang trại phải có hệ thống tưới, và tôi phải đầu tư gần 2 tỷ đồng, tự tay lắp đặt hàng km ống dẫn nước đến từng gốc cam.
Đậu là chất tinh bột, nếu đơn giản là bón lên gốc thì kiến và các loại côn trùng khác sẽ ăn hết. Bởi vậy, tôi cho đào rãnh quanh gốc cam với độ sâu khoảng 20 cm, rắc đậu tương và dùng hệ thống tưới dạng phun mưa liên tục ít nhất 3 ngày để đậu rữa, ngấm vào đất” - ông Hùng chia sẻ bí quyết.
Năm 2019, ông đã mua hơn 10 tấn đậu tương để làm phân bón.
“Theo tìm hiểu của tôi, đậu tương chứa một hệ vi sinh vật có lợi rất phong phú, cho nên ngoài công dụng cung cấp nguồn dinh dưỡng toàn diện thì nó còn có vai trò như một chất dẫn, chất xúc tác, hỗ trợ, tăng cường khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây.
Ngoài ra, vì là phân bón hữu cơ nên đậu tương hoàn toàn không ảnh hưởng đến đất, thậm chí còn bảo vệ độ phì và hệ đệm sinh học của đất, từ đó giúp cải tạo đất, bảo vệ đất không bị biến tính và giảm chất lượng sau mỗi mùa vụ khai thác” - ông Hùng phân tích thêm.
Vòi tưới phun mưa sẽ giúp đậu tương ngấm xuống đất, tránh tình trạng bị kiến và côn trùng ăn mất.
Kết quả của cách chăm sóc “lạ”, năm 2018, trang trại của ông Hùng thu hái gần 50 tấn cam chanh, 30 tấn cam bù. Với giá bán trung bình đối với cam bù là 60 – 70 nghìn đồng/kg, cam chanh là 50 nghìn đồng/kg, mỗi năm, tính riêng từ cây cam, doanh thu của trang trại đạt khoảng 5 - 6 tỷ đồng. Đặc biệt, với cách chăm bón này, sản lượng cam dự báo có thể tăng lên gấp đôi sau khoảng 2 năm tới.
Ông Đỗ Công Anh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thủy cho biết: Ông Hùng là một nông dân sáng tạo và quyết đoán, nghĩ là làm nên mô hình trang trại của ông đạt hiệu quả kinh tế rất lớn. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và trở thành tấm gương sáng để bà con noi theo. Nhiều năm liền, ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.