Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức công bố trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ hôm 3/12 cho thấy lệnh đeo khẩu trang bắt buộc được áp dụng từ 20 ngày trước đã giúp số ca nhiễm nCoV của Đức giảm từ 15-75% tùy từng khu vực. Trong đó, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận ở các thành phố lớn nhất của Đức.
Nhóm nghiên cứu kết luận đeo khẩu trang có thể giảm tốc độ tăng số ca nhiễm hàng ngày khoảng 47%.
Tại thành phố Jena, phía đông nước Đức, nơi đầu tiên thực hiện quy định đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng hồi tháng 4, ghi nhận mức giảm 75% sau 20 ngày thực hiện quy định.
“Nói một cách đơn giản, nếu khu vực bình thường ghi nhận 100 ca nhiễm mới trong 20 ngày, khu vực đeo khẩu trang chỉ báo cáo 25 ca”, nhóm nghiên cứu nói. “Đối với nhóm tuổi ngoài 60, mức giảm có thể lên tới hơn 90%”.
Người dân Đức đeo khẩu trang trên phố ở Berlin hồi tháng 10. Ảnh: Reuters.
Nghiên cứu đã so sánh dữ liệu từ 401 khu vực đô thị ở Đức thực hiện quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong các thời điểm khác nhau. Ngoài Jena, 6 khu vực đô thị khác ở Đức đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang trước khi các bang của họ thực hiện quy định phòng dịch này. Tất cả các bang ở Đức đã áp dụng chính sách đeo khẩu trang bắt buộc trong khoảng thời gian 20-29/4.
Nghiên cứu cũng chỉ ra việc tìm mua khẩu trang trên mạng ở Đức đã đạt kỷ lục vào ngày 22/4, khi quy định đeo khẩu trang bắt buộc được thông báo áp dụng ở tất cả các bang.
Nhóm nghiên cứu cho biết khẩu trang là biện pháp rất kinh tế để chống lại Covid-19, bởi “chi phí gần như bằng 0 so với các biện pháp y tế cộng đồng khác”, như đóng cửa nhà hàng, trường học, cấm tụ tập, giãn cách xã hội hay cách ly.
Trong khi khẩu trang được sử dụng rộng rãi ở châu Á, nhiều nước phương Tây lại tỏ ra hoài nghi về lợi ích của biện pháp này và chần chừ ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 2/12 đã tiếp tục khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang trong các cơ sở y tế hoặc địa điểm trong nhà có khả năng thông gió kém.
Covid-19 đã khiến hơn 66 triệu người nhiễm và hơn 1,5 triệu người chết trên toàn cầu, trong đó Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đức đã báo cáo hơn 1,5 triệu ca nhiễm và hơn 18.500 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát.