Liên tục nhiều tháng nay, chị C. (TP Hà Tĩnh) nhận được nhiều cuộc điện thoại thông báo về việc một người có tên Đặng Đức Ngọc (người chị không hề biết) có vay nợ của Công ty ATM Online từ năm 2017 và đã quá hạn.
Được biết, số điện thoại của chị C. được anh Ngọc ghi trong hợp đồng tín dụng nên bên cho vay lấy làm căn cứ để thu hồi nợ. Mặc dù đã nói rõ mình không phải là Ngọc, không quen ai là Ngọc nhưng chị vẫn bị “tra tấn” bằng các cuộc điện thoại và tin nhắn.
Các tin nhắn gửi về máy chị C...
Thậm chí, nhiều cuộc điện thoại gọi lúc nửa đêm, liên tục nhắn tin với các nội dung như tiếp nhận đơn tố cáo về hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi kiện hợp đồng lên tòa án… Tình trạng trên diễn ra khiến chị C. bức xúc, mệt mỏi, thậm chí hoang mang, lo sợ vì bỗng dưng thành... con nợ.
Chị C. cho biết: “Thời gian đầu mình cũng không để ý, nhưng ngày càng nhận được nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn với nội dung đòi nợ. Có khi nhân viên của công ty gọi đến mình đã nói rõ không phải là người vay nhưng sau đó lại có người khác gọi đến với nội dung tương tự. Thật sự mình khá mệt mỏi và không tránh khỏi hoang mang khi bỗng nhiên ôm một cục nợ từ trên trời rơi xuống”.
Liên lạc trực tiếp với số điện thoại nhắn tin đến thu hồi nợ chị C. được biết, số điện thoại 0916.xxx.xxx của chị nằm trong hợp đồng vay giữa anh Đặng Đức Ngọc và Công ty ATM Online với vai trò là số điện thoại liên lạc của người thân, bạn bè. Khi làm hợp đồng, anh Ngọc đã ghi số điện thoại của chị C. vào hồ sơ và quá trình thẩm định của bên cho vay không hiểu vì sao vẫn để “lọt lưới” trong khi chị C. không hề biết anh Ngọc là ai (?!).
Trong khi chị C. không biết Đặng Đức Ngọc là ai...
Theo tìm hiểu ở một số đơn vị cho vay tín chấp, khi làm hợp đồng, thông thường bên cho vay sẽ yêu cầu bên vay cung cấp hai số điện thoại liên lạc của người thân. Sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, bên vay sẽ gọi điện thẩm định xem hai số điện thoại được cung cấp có phải là người thân của bên vay hay không nhằm mục đích nếu người vay có sự cố thì bên cho vay sẽ đòi nợ thông qua người thân. Do vậy, nếu trường hợp được chọn “làm tin” trong hợp đồng vay tài chính của người khác, mọi người nên cẩn thận, cân nhắc hơn để tránh trường hợp “ôm rơm nặng bụng” nếu có.
Ngoài ra, sự việc này cũng đặt ra một vấn đề là bảo mật thông tin cá nhân hiện nay cần phải được quan tâm hơn nữa. Theo phân tích từ trường hợp của chị C., có thể anh Ngọc đã lấy số điện thoại, địa chỉ của chị C. ở trên mạng để sử dụng vào hợp đồng vay tiền của mình. Do vậy, khi tham gia vào các hoạt động trên mạng xã hội, người dùng nên cẩn thận khi cung cấp thông tin cá nhân để tránh những phiền phức phát sinh không đáng có.