Loài ong hiếm tái xuất sau 100 năm

Dù chưa tuyệt chủng, loài ong bản địa Australia vẫn bị đe dọa do chỉ chuộng vài loại hoa nhất định, mất môi trường sống và biến đổi khí hậu.

Loài ong hiếm tái xuất sau 100 năm

Ong Pharohylaeus lactiferous xuất hiện lại sau gần một thế kỷ. Ảnh: James Dorey/Đại học Flinders.

Các nhà khoa học bắt gặp Pharohylaeus lactiferous, loài ong bản địa của Australia, lần gần nhất vào năm 1923. Họ cũng mới chỉ tìm thấy tổng cộng 6 cá thể của loài vật này. Tuy nhiên, một cuộc tìm kiếm quy mô lớn đã tái phát hiện Pharohylaeus lactiferous ở bang Queensland, giúp giới chuyên gia xác định chúng chưa tuyệt chủng, Independent hôm 26/2 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Hymenoptera Research.

Các chuyên gia tại Đại học Flinders cho biết, Pharohylaeus lactiferous vẫn sống sót nhưng có thể đang chịu áp lực sinh tồn ngày càng tăng. “Vấn đề này rất đáng lo ngại vì đây là loài ong Australia duy nhất trong chi Pharohylaeus và chúng ta vẫn chưa hiểu về đặc điểm sinh học của chúng”, nhà nghiên cứu James Dorey giải thích.

Dorey cùng các đồng nghiệp cũng đánh giá tính đa dạng sinh học và cảnh báo rằng tình trạng mất môi trường sống, rừng mưa Australia bị tách nhỏ, cháy rừng và biến đổi khí hậu có thể làm tăng nguy cơ tuyệt chủng của ong Pharohylaeus lactiferous và các loài không xương sống khác.

Australia đã dọn quang hơn 40% diện tích rừng kể từ khi châu Âu xâm chiếm, khiến nhiều vùng rừng còn lại cũng bị chia tách và xuống cấp. “Những phân tích địa lý của tôi về sự hủy diệt môi trường sống ở hai khu vực sinh học Vùng nhiệt đới ẩm Queensland và Bờ biển Trung Mackay cho thấy rừng mưa Queensland và quần thể ong Pharohylaeus lactiferous dễ tổn thương trước cháy rừng như thế nào”, Dorey nói.

Loài ong hiếm cũng dễ bị đe dọa do chuộng một số loại hoa đặc biệt chỉ mọc quanh rừng mưa nhiệt đới hoặc cận nhiệt. “Những nghiên cứu trong tương lai nên tập trung tìm hiểu về đặc điểm sinh học, sinh thái và di truyền học quần thể của chúng. Nếu muốn hiểu và bảo vệ loài vật tuyệt vời này, chúng ta cần đẩy mạnh các nỗ lực bảo tồn và giám sát sinh học, gây quỹ cho bảo tàng bảo quản bộ sưu tập và thực hiện một số sáng kiến khác”, Dorey bổ sung.

Theo VNE (Independent )

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.