Dưới đây, Báo Hà Tĩnh điện tử lược đăng bài diễn văn của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn.
Cách đây 70 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của dân tộc ta bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc để động viên đồng bào, chiến sỹ thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác: Làm cho mau. Làm cho tốt. Làm cho nhiều, góp công, góp sức diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập và kiến thiết nước nhà.
Thực hiện Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã liên tục dấy lên các phong trào thi đua. Hàng vạn thanh niên Hà Tĩnh tiếp bước nhau lên đường ra tiền tuyến... Ở mặt trận nào, con em Hà Tĩnh cũng thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên cường.
Trong cuộc chiến đấu sinh tử với đế quốc xâm lược, các địa danh: Bến Thủy, Linh Cảm, Địa Lợi, Đèo Ngang, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130 Tiến Lộc, Núi Nài… đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Kết thúc chiến tranh, Hà Tĩnh có hơn 28.000 liệt sỹ, hơn 37.000 thương binh và hàng vạn gia đình có công với nước. Máu đào của những người con Hà Tĩnh đã góp phần tô thắm lá cờ đỏ Tổ quốc và truyền thống yêu nước của dân tộc ta, mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của quân và dân Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh và 9/9 huyện, thị xã lúc bấy giờ vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 215 tập thể, 39 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.985 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhiều tập thể, cá nhân được đón nhận những phần thưởng cao quý khác.
Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, đặc biệt sau ngày tái lập tỉnh, với ý chí quyết tâm: Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Hà Tĩnh đã tích cực đưa các nghị quyết của Tỉnh ủy trở thành các phong trào: chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp; xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới; xóa nhà tranh tre, dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo, gia đình chính sách; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Thi đua dạy tốt, học tốt; các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn đã giành được những kết quả đáng khích lệ, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 16 và 17, các phong trào thi đua yêu nước đã tập trung hướng đến mục tiêu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển. Năm 2017 tăng trưởng đạt 10,71%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 6 bậc so với năm 2016. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển đột phá cả về quy mô và năng lực. Lĩnh vực nông nghiệp, nhất là thủy sản, dịch vụ, du lịch biển phục hồi, phát triển. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Thu ngân sách năm 2017 đạt gần 9.000 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2018 thu ngân sách đạt 4.467 tỷ đồng, đạt 47,53% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Kinh tế phát triển nhanh đã tạo điều kiện để Hà Tĩnh đẩy mạnh các phong trào thi đua trên lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Đặc biệt, phong trào Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thực sự đã trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong cả hệ thống chính trị và toàn dân. Với kết quả của phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, Hà Tĩnh được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. .
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục được đổi mới. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, thôn xóm đã và đang tiếp tục sắp xếp đảm bảo tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phong trào cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh
Ghi nhận, đánh giá những thành tích, kết quả các phong trào thi đua của tỉnh nhà, năm 2011 Nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Tĩnh vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Nhiều năm liền được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước. Hàng năm có hàng trăm tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành ghi nhận, tôn vinh.
Từ các phong trào thi đua yêu nước, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, mô hình trên các lĩnh vực. Tiêu biểu trong vườn hoa thi đua yêu nước kỷ niệm 70 năm, tỉnh suy tôn 70 gương điển hình tiên tiến... và, còn rất nhiều, rất nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, khắp các địa bàn thi đua vì sự phát triển nhanh và bền vững của quê hương, đất nước.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng, trong thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thi đua, khen thưởng và Chỉ thị số 41-CT/TU, ngày 9/ 9/ 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Thứ hai, các phong trào thi đua phải được phát động và tổ chức với chương trình, kế hoạch cụ thể; hình thức phong phú; nội dung phải có chủ đề, tiêu chí phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị, đối tượng. Tổ chức phong trào thi đua phải thường xuyên, liên tục, từ đó tạo phong trào sâu rộng, tự giác trong toàn xã hội.
Công tác thi đua phải gắn với công việc hằng ngày, đem lại lợi ích thiết thân cho mỗi người, mỗi nhà, mỗi cán bộ, đảng viên, vì mục tiêu Hà Tĩnh đổi mới, phát triển bền vững. Người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải thực sự phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, phải là hạt nhân, là ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua.
Thứ ba, trọng tâm các phong trào thi đua hiện nay là: Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới; Doanh nghiệp Hà Tĩnh hội nhập và phát triển; Phong trào khởi nghiệp, chủ động hội nhập cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…Tiếp tục nhân rộng các phong trào thi đua nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, 5, 6, 7 của Trung ương, các nghị quyết của Tỉnh ủy; xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh phong trào cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thứ tư, tập trung làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển và lan toả sâu rộng trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải mẫu mực, nêu gương để nhân dân và cấp dưới noi theo. Tấm gương điển hình tiên tiến phải thực sự có sức thuyết phục, cảm hoá mạnh mẽ trong phong trào thi đua ở các cấp, các ngành, các địa phương, trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Thứ năm, công tác thi đua khen thưởng cần hướng mạnh về cơ sở. Chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích thật sự xuất sắc, nhất là các tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người lao động trực tiếp sản xuất, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, cán bộ thôn xóm, tổ dân phố…; các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chủ trương di dời tái định cư, giải phóng mặt bằng, phục vụ triển khai các công trình, dự án, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; chú trọng khen thưởng thành tích chuyên đề, đột xuất. Quan tâm xem xét khen thưởng các tập thể, cá nhân trong nước, ngoài nước, người nước ngoài có nhiều đóng góp vì sự phát triển của tỉnh.
Biểu dương, khen thưởng phải kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, sản phẩm công việc cụ thể làm thước đo. Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng, đề nghị các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét khen thưởng và thực hiện chính sách cho các gia đình và người có công lao, đóng góp trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.
Thứ sáu, các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong phạm vi phụ trách.
Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá công tác thi đua khen thưởng. Khắc phục những hạn chế, hình thức trong việc phát động, tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng tràn lan theo chủ nghĩa bình quân, thủ tiêu động lực thi đua
Khắc ghi công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nguyện đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương Xô viết anh hùng; quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức; nỗ lực phấn đấu, tiếp tục tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp; xây dựng quê hương Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.