Bà con nông dân Đức Thọ tranh thủ đẩy nhanh tiến độ cấy lúa vụ xuân
Vụ xuân luôn là vụ sản xuất chính nhất trong năm. Gần cả tháng nay chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Trung Trạm, Cẩm Bình, Cẩm Xuyên khi thì làm cỏ bờ, khi lấy nước, làm đất… để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ xuống giống.
“Đã từ mấy năm nay, thôn sản xuất theo cánh đồng một giống, từ ngâm ủ đến xuống giống đều đồng nhất một khung lịch nên bà con chủ động hơn. Bắt đầu gieo từ 3 hôm nay rồi, 1 mẫu ruộng chỉ còn lại vài sào, tôi đang cố tranh thủ hết sức để tránh mưa rét trong những ngày tới” - chị Hoa cho biết.
Vào những ngày mùa, cơm ăn vội, mọi công việc khác đều gác lại để tập trung ra đồng. Thời tiết những ngày này bầu trời âm u, xám xịt, càng về trưa, mưa càng nặng hạt khiến người ta cảm nhận rõ hơn về đợt rét sắp sửa. Chạy đua với thời gian, trên thửa ruộng, cùng một lúc máy cày ầm ù làm đất, cày ải lần cuối, người nông dân lại đưa giống ra đồng gieo hạt.
Cũng may, với khung thời vụ đồng nhất mà Cẩm Bình và nhiều xã khác của Cẩm Xuyên thực hiện thành công tiến độ “cuốn chiếu”, chạy đua với thời tiết bất thường của kỳ xuống giống vụ xuân. Đến thời điểm này, Cẩm Xuyên đã gieo cấy được 9.250 ha, đạt 97% kế hoạch, trở thành huyện có thể “chạm” đích đầu tiên về tiến độ gieo cấy.
Nông dân phun thuốc phòng sâu bệnh ở những thửa đã cấy xong
Trong khi đó, người nông dân các huyện Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Can Lộc lại quen thuộc với hình ảnh cấy lúa. Vừa kết thúc cấy trà xuân trung, bà con ở đây bắt tay ngay vào cấy tập trung các giống chủ lực: P6, BTE1, Nếp 98, Nếp 87… Không khí trên đồng ruộng rộn ràng, hối hả hơn bao giờ hết.
Bà Lê Thị Thìn, xã Trung Lễ, Đức Thọ cho hay: “Các trà mạ đến kỳ cấy cứ tấp nập, nếu không tranh thủ thời gian sẽ “già” mạ. Những ngày vào chính vụ cấy, chúng tôi tổ chức đổi công cho nhau, tập trung cấy xong cho nhà này lại sang nhà khác. Cầu trời cho thuận lợi thêm ít hôm nữa, lúa vừa cấy xuống nếu rét đậm, rét hại trở lại thì khó mà vượt qua”.
Đây cũng là mùa làm ăn của gánh cấy thuê. Thường những nơi có khung thời vụ đến sau, một số người sẽ di chuyển lên những địa phương có thời vụ sớm hơn nhận công cấy. Có những thời điểm, công cấy mỗi công lên đến 300- 400 nghìn đồng mỗi ngày.
Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh, đến thời điểm này toàn tỉnh đã gieo cấy được 41.103 ha, đạt gần 70% diện tích gieo cấy lúa xuân. Trong đó, diện tích gieo thẳng hơn 34.000 ha và gần 7.000 ha lúa cấy.
Đối với những mạ chưa đến kỳ cấy, cần phủ nilong tránh đợt rét mới
Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục Trưởng cho biết: “Tiến độ gieo cấy ở các địa phương đang theo đúng kế hoạch, một số huyện đã gần hoàn thành như: Cẩm Xuyên (97%), Hương Khê (92%), Vũ Quang (90%)… Năm nay, thời vụ gieo cấy xuyên suốt tết âm lịch, đảm bảo thời vụ, bà con cần lưu ý các giải pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh sau gieo cấy. Nhất là thăm đồng, giữ mực nước cần thiết trong chân ruộng, đảm bảo lúa sinh trưởng tốt, tránh tình trạng chết rét”.
Từ tối qua, đợt không khí lạnh mới tiếp tục tăng cường xuống khu vực Hà Tĩnh. Dự báo vài ngày tới, nhiệt độ có thể ở mức 140C- 160C, khả năng gây ra chậm tiến độ sản xuất của bà con nông dân, thậm chí “chạm” ngưỡng đe dọa đối với lúa non. Dồn sức cho mùa lúa quan trọng nhất trong năm, khí thế chạy đua với thời gian càng rộn rã trên cánh đồng mùa xuân…