Một tảng băng trôi gần ngôi làng Innarsuit thuộc vùng Avannaata, tây bắc Greenland. Ảnh: AFP . |
Theo hai nguồn tin giấu tên của CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần bày tỏ ý định mua đảo Greenland và đội ngũ luật sư Nhà Trắng đang xem xét khả năng này.
Trước đó, tờ Wall Street Journal cũng dẫn các nguồn tin thông thạo vấn đề cho biết Trump đã nêu phương án mua đảo Greenland trong các cuộc họp và bữa tối, đặt câu hỏi với các trợ lý và lắng nghe nghiêm túc về khả năng và lợi thế của việc sở hữu hòn đảo.
Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 2.166.000 km2.
Dù lãnh đạo cơ quan ngoại giao Greenland Ane Lone Bagger đã tuyên bố "hòn đảo không phải để bán", nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra về ý định của chính quyền Trump, đặc biệt là vì sao ông chủ Nhà Trắng lại có hứng thú với một hòn đảo với 80% diện tích bị băng bao phủ và có dân số chưa đầy 60.000 người?
Đầu tiên, Greenland được cho là rất giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm quặng sắt, chì, kẽm, kim cương, vàng, các nguyên tố đất hiếm, uranium và dầu. Hầu hết nguồn tài nguyên kể trên đều chưa được khai thác bởi phần lớn diện tích hòn đảo bị băng bao phủ.
Tuy nhiên, với tình trạng khí hậu toàn cầu nóng lên, các lớp băng đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng. Mùa hè vừa qua, các nhà khoa học từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chứng kiến hai trong những vụ băng tan chảy lớn nhất lịch sử Greenland xảy ra.
Hiện tượng băng tan sẽ giúp cho các kế hoạch khai thác tài nguyên thiên nhiên trở nên khả thi hơn.
Lý do thứ hai nằm ở ý nghĩa địa chính trị. Quân đội Mỹ từng xây dựng Căn cứ Không quân Thule tại đây từ năm 1951, cách Vòng Bắc cực khoảng 1.200 km. Căn cứ trang bị radar trong hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo sớm, có thể phát hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay về phía Mỹ.
Cuối cùng, Trump là một người rất quan tâm tới những di sản mình đạt được trong thời gian làm tổng thống. Mua được Greenland sẽ là một gạch đầu dòng lớn trong lý lịch tổng thống của ông.
Greenland nằm giữa Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương, xung quanh là Mỹ, Canada, Nga, Phần Lan, Na Uy, Iceland, Thụy Điển. Ảnh: Britannica. |
Thực tế, trong quá khứ, Mỹ từng muốn mua Greenland, theo nhà sử học Đan Mạch Tage Kaarsted. Năm 1946, ngoại trưởng Mỹ James Byrnes dưới thời tổng thống Harry Truman đã đề xuất ý tưởng trên với ngoại trưởng Đan Mạch tại một cuộc họp của Liên Hợp Quốc ở New York.
Tuy nhiên, kể từ đó, hai bên không có thêm bất kỳ trao đổi nào liên quan đến vấn đề này. 100 năm trước đó, ngoại trưởng Mỹ William Seward, sau thương vụ mua lại Alaska từ người Nga với giá 7,2 triệu USD vào năm 1867, cũng nhắm tới mua Greenland từ người Đan Mạch.
Mỹ cũng từng mua quần đảo Philippines từ Tây Ban Nha vào năm 1898 với giá 20 triệu USD và mua quần đảo Virgin từ từ Đan Mạch năm 1917 với giá 25 triệu USD.
Thương vụ mua lại đất nổi tiếng nhất của Mỹ diễn ra vào năm 1803 khi chính quyền mua Louisiana từ tay người Pháp. Mỹ đã chi 15 triệu USD vào thời điểm đó cho vùng đất chiếm gần 1/4 lãnh thổ quốc gia hiện tại.