Tranh chấp không hồi kết
Những điểm bất hợp lý trong việc chia đôi nhà và đất của TAND huyện Vũ Quang cho vợ chồng chị O., anh N. (cùng trú tại thị trấn Vũ Quang) sau khi ly hôn gây ra không ít khó khăn cho các đương sự. Ảnh Tiến Dũng
Ngày 5/5/2017, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Kỳ Anh ra Quyết định số 37 về việc công nhận thuận tình ly hôn đối với chị Nguyễn Thị H. (SN 1988) và anh Đậu Xuân H. (SN 1978, cùng trú tại xã Kỳ Xuân). Theo đó, giao 2 con chung cho chị H. trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, anh H. có nghĩa vụ đóng góp tiền cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng là 1,5 triệu đồng.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu anh H. không may đột ngột ra đi vào cuối năm 2017. Bố chồng cũ của chị H. quay ngược lại kiện con dâu cũ và các cháu đòi chia thừa kế tiền bảo hiểm nhân thọ.
Tại huyện Nghi Xuân, sau khi anh Đinh Thái C. (SN 1975) và chị Nguyễn Thị H. (SN 1983, cùng trú tại xã Xuân Giang) ly hôn, căn nhà 2 tầng thuộc sở hữu hợp pháp của bố chồng chị H. là ông Đinh Văn T. phải “cưa đôi”. Tuy nhiên, do việc phân chia tài sản sau ly hôn của chị H. và anh C. nằm trong khối tài sản chung của gia đình ông Đinh Văn T. khó khăn và phức tạp nên qua 2 lần mở phiên xử sơ thẩm, các bên vẫn không thể tìm được tiếng nói chung.
Sau ly hôn, 2 tranh chấp phổ biến nhất là chia tài sản và giành quyền nuôi con. Bên cạnh những người cha/người mẹ cố gắng kéo quyền nuôi con chung về mình, cá biệt, một số cặp vợ chồng đùn đẩy trách nhiệm nuôi con cho nhau. Hơn 1/3 vụ ly hôn ở Hà Tĩnh kéo theo tranh chấp đất đai, tài sản và xảy ra 2 trường hợp: Tranh chấp tài sản chung do vợ chồng tự làm ra và được cha mẹ hai bên cho. Đối với khối tài sản chung do vợ chồng tự gom góp, không ít vụ ly hôn, người chồng/người vợ cung cấp chứng cứ gian dối, không đúng sự thật để giành, chiếm của nhau dẫn tới khó khăn trong việc giải quyết.
Tranh chấp sau ly hôn không còn là câu chuyện riêng giữa 2 vợ chồng mà kéo theo sự “vào cuộc” của gia đình hai bên. Khi những ràng buộc về mặt pháp lý đã bị cắt đứt, họ bỗng dưng trở mặt với nhau, cố gắng giành lấy lợi ích về phần mình. Người thân của vợ/chồng, vì bảo vệ cho con cái, xúi giục, khích bác khiến những tranh chấp càng kéo dài, khó phân định. Để rồi qua những cuộc tranh giành sau ly hôn, không chỉ các cặp vợ chồng mà 2 gia đình và đôi khi là 2 họ cũng từ mặt nhau, thậm chí, nhức nhối hơn, nhiều con trẻ bị lôi vào cuộc chiến tài sản của người lớn.
Mảnh vỡ trong tâm trí con trẻ
Ông K. ở xã Sơn Tây (Hương Sơn) lầm lũi đưa cháu nội rời nhà bố mẹ đẻ về nhà chăm sóc do nhà của con trai vừa bị ngân hàng niêm phong. Đây là hậu quả của việc vợ chồng Q.-V. làm ăn thua lỗ, thường xẩy ra xung đột rồi dẫn đến “tan đàn xẻ nghé”. Ảnh Phương Thảo
“Cháu rất nhớ mẹ, cháu chỉ mong ngày nào cũng được ăn cơm cùng bố mẹ và em Q. (SN 2017), tối nào cũng được mẹ ôm ấp, vỗ về. Cháu hỏi mẹ đâu, em Q. đâu, bố trả lời, từ nay gia đình mình chỉ còn lại 2 người” - lời nói hồn nhiên, ngây thơ của cháu Nguyễn Anh T. năm nay mới chỉ lên 4 khiến người nghe thắt lòng.
Vỏn vẹn 3 từ “không hợp nhau”, đó là những gì bố mẹ cháu T. - anh Nguyễn Tiến H. (SN 1993) và chị Trần Thị P. (SN 1998) đề cập tới tại phiên xử ly hôn ngày 5/9/2019. Sau khi ly hôn, TAND huyện Kỳ Anh giao cháu Nguyễn Trần Q. (SN 2017) cho chị P. chăm sóc, giao cháu T. cho anh H. nuôi nấng, dạy dỗ.
4 tuổi, T. bỗng dưng mất đi quyền được mẹ ôm ấp, vuốt ve. Em sớm phải học cách chấp nhận người gần gũi, thân thuộc nhất với mình bỗng trở nên xa cách. Dù còn rất nhỏ, nhưng T. lo sợ một ngày nào đó, rồi bố cũng sẽ rời xa mình. Và T. cũng từng ghen tỵ với các bạn khi được mẹ chăm sóc từng li từng tí...
“Nạn nhân” đầu tiên và bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc ly hôn chính là những đứa con. Ly hôn khiến người lớn nhẹ nhõm khi đã bước ra khỏi mối quan hệ bí bách, không lối thoát, song đối với con trẻ, đó là sự hụt hẫng, trống trải. Sau cuộc chia ly của người lớn, con trẻ phải đối mặt với sự thiếu vắng người cha/người mẹ và sự chia rẽ tình cảm đối với anh/chị/em ruột của mình. Dù ở bất cứ lứa tuổi nào, dù cha mẹ ly hôn trong hoàn cảnh nào, đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống, tâm lý. Đó là chưa kể tới sau khi chia tay, vì “ân đoạn nghĩa tuyệt”, nhiều người trong cuộc còn lấy con cái như một “vũ khí” để chống lại người kia bằng cách thường xuyên bịa đặt, nói xấu chồng (vợ) cũ, “bôi đen” vào sự trong trắng của những đứa con.
Mẹ đi xuất khẩu lao động, không có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ, mới 19 tuổi Bùi Đức Sáng (SN 2000, trú phường Đậu Liêu, TX. Hồng Lĩnh) đã 2 lần bị xử phạt hành chính và 2 lần hầu tòa về hành vi “trộm cắp tài sản”
“Theo quy định, con chung dưới 3 tuổi sẽ được giao cho mẹ nuôi dưỡng, nếu giữa 2 người không có thỏa thuận. Trong trường hợp từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi nếu có tranh chấp, tòa án sẽ xem xét các yếu tố về thu nhập, khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc… để giải quyết nhằm tránh sự xáo trộn về môi trường sống cho trẻ. Tuy vậy, khi cha mẹ ly hôn, dù ít hay nhiều thì chắc chắn các trẻ cũng phải chịu những ảnh hưởng về tâm lý. Đặc biệt, ly hôn cũng là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Tại Cẩm Xuyên, 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn”, Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên Trần Thị Minh Tâm cho biết.
Cũng theo Chánh án Tâm, hầu hết các bị cáo phạm tội ở độ tuổi học sinh đều rơi vào gia đình hoàn cảnh khó khăn hoặc éo le như bố mẹ ly hôn, ly thân… Thiếu sự kèm cặp, giáo dục của gia đình, các em trở nên bất mãn, quen với lối sống tự do, buông thả, dễ tiếp thu những mặt trái và đi vào con đường phạm tội.