Vụ cam năm nay, anh Nguyễn Tôn An ở thôn Thanh Bình (xã Đức Lĩnh) đã mua hơn 20.000 túi bọc để bảo vệ cam khỏi côn trùng và thời tiết bất lợi.
Khoảng gần 2 tháng nữa, vườn cam hữu cơ rộng hơn 1,5 ha của gia đình anh Nguyễn Tôn An ở thôn Thanh Bình (xã Đức Lĩnh) sẽ cho thu hoạch. Để đảm bảo năng suất cuối vụ, thời điểm này, gia đình anh đang tập trung nhân lực để bọc quả, vun gốc.
Anh An cho biết: “Cam đang vào thời kỳ tạo độ ngọt, phát triển múi nên dễ bị côn trùng tấn công, gây vàng vỏ, chín non, dẫn tới rụng quả hàng loạt nếu không được chăm sóc bài bản. Do đó, tôi đã đặt mua hơn 20.000 túi bọc để gói từng quả nhằm chống nắng, tia cực tím và côn trùng xâm nhập. Túi bọc cam được làm bằng giấy màu trắng pha lẫn nilon, giá 450 đồng/túi. Với mỗi ha, gia đình tôi phải bỏ ra gần 6 triệu đồng để mua túi bọc".
Cũng theo anh An, việc đầu tư kinh phí bọc quả sẽ giúp cam có độ ngọt đồng đều, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua với giá cao. Năm ngoái, nhờ bọc được hết toàn bộ diện tích mà vườn cam của anh không bị rụng, cuối vụ thu được hơn 15 tấn quả, cho nguồn thu gần 400 triệu đồng.
Cũng như anh An, những ngày này, bà Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Yên Du (xã Đức Lĩnh) đang khẩn trương bọc quả, bón phân và tập trung phòng trừ các loại bệnh hại cho hơn 2 ha cam.
Ngoài bọc quả, bà Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Yên Du (xã Đức Lĩnh) còn bón thêm phân kali để cây có thêm dưỡng chất nuôi quả.
Bà Nguyệt cho biết: “Đây là thời điểm quyết định đến chất lượng quả cuối vụ, vì vậy, ngoài việc tập trung bọc quả, gia đình tôi còn cắt tỉa những cành sâu bệnh, bón phân kali để cây có thêm dưỡng chất nuôi quả. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên theo dõi thời tiết, sự sinh trưởng của cây hằng ngày để kịp thời phòng, trừ các yếu tố gây hại cho cam".
Cũng theo bà Nguyệt, năm nay, cam đậu quả thấp hơn năm ngoái, tỷ lệ quả chỉ đạt khoảng 80% (năm trước, gia đình thu hoạch 20 tấn quả), nguyên nhân là do ở thời kỳ cam ra hoa gặp thời tiết mưa nhiều. Tuy nhiên, năm nay quả cam to, đều và đẹp hơn.
Vườn cam sắp thu hoạch của bà Nguyệt được bảo vệ bởi những lớp “áo giáp” cẩn thận.
Ông Nguyễn Xuân Thê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có gần 500 ha cam, trong đó có trên 450 ha đang thời kỳ cho quả. Để đảm bảo năng suất cuối vụ, mang lại thu nhập ổn định cho bà con, từ cuối tháng 8 - khi cam bước vào giai đoạn “nước rút”, địa phương đã hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm sóc cam như: bọc quả, vun gốc, chống đỡ cành, bón phân... Qua nắm bắt, tất cả các hộ trồng cam trên địa bàn đều đang tập trung bám đồi để bảo vệ các diện tích cam của gia đình".
Anh Nguyễn Văn Phong (thôn Bình Quang, xã Đức Liên) đang chăm sóc vườn cam rộng gần 2 ha của gia đình.
Theo kinh nghiệm của người trồng cam Vũ Quang, giai đoạn này, việc bọc quả, bón phân cho cam là rất quan trọng, quyết định đến năng suất cuối vụ của cây. Đặc biệt, cây cam ưa ẩm và ít chịu hạn, lại đang trong thời kỳ dưỡng quả nên phải luôn chú ý theo dõi, cung cấp nước đầy đủ.
Đang nhanh tay mặc “áo giáp” cho gần 2 ha cam của gia đình, anh Nguyễn Văn Phong (thôn Bình Quang, xã Đức Liên) cho biết: “Năm nay, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, hứa hẹn thị trường cam sẽ có nhiều khởi sắc. Để có những gốc cam đạt chất lượng nhất, gia đình tôi đang dồn sức chăm từng quả, với hy vọng cuối vụ sẽ có một khoản thu khá".
Toàn huyện Vũ Quang hiện có gần 2.600 ha cam, nguồn thu từ cam đã đem về cho người dân nơi đây hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang, toàn huyện hiện có gần 2.600 ha cam. Mỗi năm, nguồn thu từ cam đã đem về cho người dân địa phương hàng trăm tỷ đồng. Để đảm bảo năng suất, chất lượng quả cuối vụ, bà con đang tất bật chăm sóc, bón phân, tỉa cành và đặc biệt là bọc quả.
“Để hướng tới một vụ cam đồng nhất về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các đối tác thu mua lớn, đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn xuống từng địa phương hướng dẫn bà con áp dụng linh hoạt các biện pháp sinh học để chăm sóc, bảo vệ từng quả cam. Đồng thời, khuyến cáo bà con cần thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh để kịp thời phòng ngừa các yếu tố gây hại cho cây trồng. Khi cây xuất hiện sâu bệnh cần sử dụng các loại thuốc chuyên dùng theo hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo an toàn” - ông Nguyễn Trường Thọ cho biết thêm.