Nhìn từ bản đồ, Hà Tĩnh tựa một phiến đá thô với những nhát cắt gồ ghề. Ấy thế mà, ẩn sâu trong “phiến đá” ấy là một Hà Tĩnh với những cảnh sắc nên thơ và những vỉa tầng văn hóa, lịch sử giá trị - đó cũng chính là tiềm năng để phát triển du lịch Hà Tĩnh hiện nay…
...
“Gẫm ra trời đất sắp bày/ Nhìn trong phong thổ xưa nay khác thường” - câu thơ của Bùi Dương Lịch chính là sự khắc họa rõ nét nhất về sự ưu ái của đất trời dành cho miền đất Hà Tĩnh. Phải là sự khác thường thì phía sau dáng vẻ thô mộc, giữa cái khắc nghiệt của thiên nhiên, Hà Tĩnh lại có nhiều đến thế những cảnh quan đẹp đến nao lòng. Nếu như trước đây, phong cảnh ấy đã gieo tứ, gieo vần cho thi ca, nhạc, họa, thì nay đã được khai thác thành các tuyến du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng độc đáo.
Di tích Hoành Sơn Quan, xã Kỳ Nam (TX Kỳ Anh). Ảnh: Huy Tùng |
Núi Hồng - sông La đoạn qua xã Xuân Hồng (Nghi Xuân). Ảnh: Đậu Hà |
Khu du lịch sinh thái Hải Thượng, xã Sơn Trung (Hương Sơn). Ảnh: Ánh Dương |
Hồ Thiên Tượng (thị xã Hồng Lĩnh). Ảnh: Khánh Thành |
Từ bờ Nam dòng Lam đến mái Bắc Đèo Ngang, từ biển cả mênh mông đến cheo leo núi rừng, ở đâu cũng có những cảnh sắc mời gọi du khách. Sự sắp đặt của đất trời đã cho Hà Tĩnh được sở hữu 99 đỉnh non Hồng sừng sững bên dòng La hiền hòa thơ mộng. Cảnh sắc cùng những trầm tích văn hóa của Ngàn Hống là câu chuyện cả một đời người không kể hết.
Sự sắp đặt ấy cũng đã cho cư dân miền đất này một suối nước nóng Sơn Kim quý hiếm; một bến Tam Soa muôn đời mát ngọt, hữu tình; một suối Tiên - Thiên Tượng huyền bí; một Đèo Ngang - Hoành Sơn Quan hiểm trở, nguyên sơ mà hữu tình; một Kẻ Gỗ lắng sâu tình người v.v…
Đua thuyền trên cửa Khẩu Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh). Ảnh: Trần Công Việt
Bên cạnh những danh lam thắng cảnh của núi non là những bờ biển đẹp với biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Suốt 137 km chiều dài bờ biển là rất nhiều bãi tắm đẹp. Có nơi đã khai thác và có nơi chưa nhưng tất cả đều tiềm ẩn tiềm năng du lịch trải nghiệm khi gắn với những làng biển cổ xưa với nhiều lễ hội, tập tục đặc sắc. Những bãi biển như Xuân Thành, Thạch Hải, Thạch Bằng, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con gắn với các cửa sông, làng cá, cảng biển với những lễ hội đặc sắc, độc đáo… là một trong những tuyến du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách.
Anh Nguyễn Kỳ - một du khách ở Hải Phòng cho biết: “Tôi đến Hà Tĩnh đã nhiều lần nhưng chỉ đi tự túc nên khám phá được rất ít cảnh quan của Hà Tĩnh. Nay, du lịch Hà Tĩnh đã có bước phát triển mới, các công ty lữ hành trên địa bàn đã xây dựng các tour nội tỉnh phong phú nên tôi khám phá ra được nhiều tuyến du lịch hấp dẫn của Hà Tĩnh. Không chỉ tắm biển, tôi còn khám phá thêm nhiều phong cảnh hữu tình khác như: Kẻ Gỗ, chùa Hương Tích, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, một số làng văn hóa cổ Hà Tĩnh… Đặc biệt, khi nghỉ dưỡng ở Thiên Cầm, tôi còn được trải nghiệm về đời sống của ngư dân qua hoạt động câu mực đêm, đi chợ cá Cồn Gò vào sáng sớm. Đó đều là những kỷ niệm khó quên đối với tôi”.
Toàn cảnh Quỳnh Viên Resort xã Thạch Hải (Thạch Hà). Ảnh: Huy Tùng
Du khách tham quan đền thờ Nguyễn Công Trứ tại xã Xuân Giang (Nghi Xuân). Ảnh: Khôi Nguyễn
Không chỉ khai thác cảnh quan, những tour du lịch trải nghiệm của các công ty lữ hành ở Hà Tĩnh cũng đang tập trung khai thác các giá trị văn hóa. Ông Nguyễn Tiến Trình - Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen cho hay: “Khai thác du lịch nội tỉnh đang là hướng đi mới được công ty chúng tôi tập trung. Cùng với những điểm tham quan cảnh quan độc đáo, chúng tôi cũng giúp du khách tìm hiểu văn hóa truyền thống của Hà Tĩnh ở các làng cổ như Trường Lưu, Tiên Điền, Đông Thái, Gôi Mỹ… để du khách hiểu hơn về truyền thống học hành khoa bảng của Hà Tĩnh, hiểu hơn về những bậc anh hùng, tuấn kiệt của Hà Tĩnh. Chúng tôi cũng sẽ khai thác tuyến du lịch làng nghề như mộc Thái Yên, các làng trồng cam, trồng bưởi ở Can Lộc, Hương Khê, Hương Sơn… để làm phong phú hơn sự lựa chọn của khách hàng”.
Hà Tĩnh, từ thuở hồng hoang là miền đất tụ cư của nhiều bộ lạc, nhóm người từ phương Nam ra, từ miền Bắc vào. Suốt cả quá trình chung sống ấy, họ đã hòa thuận, kề vai, sát cánh bên nhau cùng chinh chiến với thiên nhiên, giặc giã. Chính trong quá trình ấy đã hình thành nên hệ thống đền, chùa, đình miếu gắn với những truyền thuyết, huyền thoại gắn với các danh nhân.
Ảnh: Nguyễn Thanh Hải - Phạm Chiến
Video: Di tích danh thắng Chùa Hang (TX Hồng Lĩnh) được ví như một “Đà Lạt thu nhỏ” giữa lòng Hà Tĩnh, là chốn gửi trao niềm tin tâm linh của phật tử bốn phương. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận là điểm du lịch.
Khai thác hệ thống các di sản tâm linh này thành sản phẩm du lịch đang là một trong những bước đi thu được nhiều thành quả của du lịch Hà Tĩnh trong những năm gần đây. Nhiều di tích đã trở nên nổi tiếng và trở thành điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch của khách thập phương như: Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc), Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú và Khu mộ, nhà thờ Phan Đình Phùng (Đức Thọ), Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn), Di tích Bùi Cầm Hổ (TX Hồng Lĩnh), Khu di tích Tổng Bí thư Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên)...
Đền Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Ảnh : Huy Tùng
Hệ thống đền, chùa với những huyền tích và phong cảnh đẹp cũng là điểm đến của du khách thập phương trong mùa lễ hội. Mùa xuân hằng năm, những di tích như đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (TX Kỳ Anh), đền Chợ Củi (Nghi Xuân), chùa Hương Tích (Can Lộc), đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, chùa Chân Tiên (Lộc Hà)... thu hút hàng chục vạn lượt khách du lịch.
Trải nghiệm các tuyến du lịch này, du khách còn được khám phá thêm những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của mảnh đất nồng đượm nghĩa tình Hà Tĩnh qua các làn điệu dân ca ví, giặm, chèo Kiều, ca trù và các lễ hội truyền thống…
Tuyến du lịch tâm linh cũng đã được ngành du lịch quảng bá đến các đối tác trong và ngoài nước trong các hội nghị, hội thảo về du lịch. Những chuyến tham quan, tìm hiểu của các đối tác đến từ Thái Lan, Lào và các tỉnh bạn tại một số điểm du lịch tâm linh ở Hà Tĩnh thời gian qua là những tín hiệu vui cho sự phát triển của du lịch tâm linh Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch hình thành từ sự phối hợp giữa địa phương và một số đơn vị lữ hành đã và đang tạo nên diện mạo mới cho tuyến du lịch tâm linh của Hà Tĩnh - chuyên nghiệp và đa dạng hơn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh tổ chức hội nghị liên kết kích cầu du lịch nội địa và sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh phía Bắc (ngày 5/6/2020). Ảnh: Quang Sáng
Bộ VH-TT&DL đã phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, Hà Tĩnh cũng đã khởi động các chính sách kích cầu du lịch và hướng đến khai thác du lịch nội tỉnh. Đây cũng chính là cơ hội để các tuyến du lịch của Hà Tĩnh được khai thác mạnh mẽ, cụ thể và chuyên nghiệp hơn. Với sự năng động, nhanh nhạy của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, chắc chắn, trong tương lai gần, Hà Tĩnh sẽ có thêm nhiều tuyến du lịch hấp dẫn du khách nội tỉnh cũng như du khách thập phương.
ảnh: pv-ctv
video & thiết kế: huy tùng