>> Mỏ đá “đói” khách: Máy ngừng quay, công nhân mất việc!
Khi cung vượt cầu
Khi dự án Formosa khởi công xây dựng kéo theo các nhà đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt vào KKT Vũng Áng để đầu tư các công trình, dự án nhằm phục vụ các dịch vụ hậu cần liên quan đến Formosa. Các DN chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng cũng bị cuốn vào cơn lốc đó.
Máy móc, xe ô tô đều nằm phơi mưa nắng, phơi mưa do mỏ ngừng hoạt động
Ông Phan Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Khai thác và Chế biến đá TX Kỳ Anh thừa nhận: Việc Formosa và các dự án, công trình trọng điểm tại KKT Vũng Áng khởi công với dự báo cần tới hàng chục triệu m3 đá để phục vụ việc xây dựng đã khiến các DN, nhà đầu tư trong lẫn ngoài tỉnh ồ ạt xin cấp phép đầu tư vào kinh doanh và chế biến đá”. Từ chỗ lác đác số ít mỏ phục vụ xây dựng nhỏ lẻ trên địa bàn thì sau một thời gian ngắn, huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh đã có đến khoảng 50 mỏ đá được cấp phép hoạt động. Các mỏ đá lớn, nhỏ, được cấp phép khai đá được đầu tư từ hàng chục lên đến hàng trăm tỷ đồng mọc lên dày đặc quanh KKT Vũng Áng. Quả thật, vào những năm 2011-2014, các mỏ đá đều ăn nên làm ra do nhu cầu vật liệu còn lớn. Tuy nhiên, niềm vui chẳng tày gang khi từ cuối năm 2014 cho đến đầu năm 2015, nhu cầu về vật liệu tại công trường Formosa và các dự án tại KKT Vũng Áng giảm dần, khiến nhiều mỏ đá bắt đầu rơi vào tình cảnh ế ẩm. Từ 100% công suất, nay giảm xuống còn 50%, nhiều mỏ chỉ còn lại 30%. Đỉnh điểm từ đầu năm 2016 đến nay, khi Formosa cơ bản hoàn thành công đoạn xây dựng, chuẩn bị đi vào sản xuất thì hàng loạt mỏ đá chính thức phải đóng cửa, ngừng hoạt động, chấp nhận thua lỗ.
Giờ đây, đá sản xuất ra chất thành núi, những DN đang gắng gượng hoạt động lại rơi vào một cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh, đua nhau bán phá giá, chấp nhận thua lỗ để vớt vát chi phí sản xuất, trả lương công nhân, chờ ngày đóng cửa.
Bài học cho doanh nghiệp và cơ quan chức năng
Có thể nói, việc hàng loạt mỏ đá phải đóng cửa hoặc đang hoạt động lay lắt, cầm chừng như hiện nay thì việc đầu tiên là chính các DN phải tự nhìn nhận ra trách nhiệm và rút bài học cho mình. Bởi trước hết, DN phải xem xét, tính toán trữ lượng khai thác trước khi xin cấp quyền khai thác mỏ.
Các mỏ đá trên địa bàn huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh rơi vào cảnh lay lắt, hoạt động cầm chừng, thậm chí là ngừng hoạt động.
Mỏ đá Hồng Sơn đầu tư 84 tỷ đồng trang bị máy móc, phương tiện khai thác, chế biến hiện đại. Nhưng, căn cứ để đầu tư số tiền lớn này, theo anh Nguyễn Ngọc Hải chủ mỏ thì: Khi nghe thông tin về nhu cầu đá của các dự án tại KKT Vũng Áng, nhất là tại nhà máy luyện thép Formosa nên năm 2012, tôi xin mở rộng diện tích mỏ lên đến hơn 15 ha. Không ngờ, đến nay, nhu cầu đá thực tế lại rất ít và tôi càng không ngờ lại có nhiều DN ào ạt vào xin cấp quyền khai thác mỏ đá như vậy. Giờ đây, trên mỏ tồn hơn 100 ngàn m3 đá chưa có khách mua; nợ đọng thuế ngày một tăng nên giờ tôi không biết xử lý thế nào”. Còn ông Nguyễn Trọng Công - đại diện mỏ đá Kỳ Liên chua xót: “Hoạt động được 2 năm rồi ế ẩm thì mới nhận ra nhu cầu thực tế về vật liệu xây dựng tại KKT Vũng Áng không nhiều như những dự báo, tin đồn trước đó”.
Khảo sát thực tế tại nhiều mỏ đá trên địa bàn cho thấy, việc DN ồ ạt xin cấp phép khai thác, chế biến đá hầu hết đều chỉ vì dựa vào những tin đồn về nhu cầu khủng đối với đá xây dựng tại KKT Vũng Áng mà bỏ quên công đoạn khảo sát và tính toán nhu cầu thực tế của thị trường trên địa bàn. Giờ đây, số lượng mỏ thì nhiều, trữ lượng mỗi mỏ quá lớn, trong khi nhu cầu thì nhỏ - đây là bài học lớn cho DN tỉnh nhà trong quá trình hội nhập ngày một sâu rộng. Trên sân chơi lớn, nếu như các DN không làm tốt công tác dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch SXKD hợp lý thì việc phải nếm “trái đắng” như các chủ mỏ đá tại Kỳ Anh là tất yếu.
Ngoài bài học cho DN, thực trạng khó khăn ở các mỏ đá tại Kỳ Anh cũng có phần trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan chức năng. Việc cấp quyền khai thác mỏ cho các DN mà thiếu định hướng, dự báo và quản lý khai thác đã vô tình gây nhiều hệ lụy cho cả DN và sự phát triển KT-XH trên địa bàn. Đây là bài học đắt giá trong công tác cấp phép mỏ khoáng sản và quản lý khai thác khoáng sản.
Trước tình cảnh khó khăn của các DN khai thác và chế biến đá trên địa bàn, tại cuộc đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh với cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh vào ngày 13/8, Hiệp hội DN thị xã Kỳ Anh đã có kiến nghị tỉnh điều chỉnh đơn giá tính thuế phí và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phù hợp với đơn giá xuất bán thực tế. Bởi đơn giá tính thuế phí hiện nay đang cao hơn đơn giá đá hộc xuất bán thực tế ở mỏ và cao hơn các tỉnh lân cận như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Ngoài ra, hiệp hội còn kiến nghị tỉnh cho hưởng chính sách miễn giảm tiền thuê đất, nhất là DN khai thác mỏ đất, mỏ đá hoạt động trong khu công nghiệp; xin giảm trữ lượng khai thác phù hợp với thực tế khai thác để nộp ngân sách. |