Anh Lê Hải Lý khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi thỏ
Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, năm 2019, anh Lý mạnh dạn vay Quỹ tín dụng Liên Sơn (xã Sơn Tây) 200 triệu đồng để cải tạo 1.120 m2 đất vườn và xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ khép kín, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Mô hình nuôi thỏ khép kín của anh Lý có quy mô 1.120 m2
Do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, đàn thỏ giống 50 con đầu tiên của anh Lý bị bệnh chết gần hết. Không nản lòng, anh tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu trên internet, học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi trước về kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và nhất là phòng ngừa dịch bệnh cho đàn thỏ.
Chăn nuôi thỏ mỗi năm mang lại thu nhập cho anh từ 100 - 150 triệu đồng.
"Thỏ có bộ lông dày, lại không có tuyến mồ hôi nên khả năng chịu nhiệt độ cao là rất thấp, nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của thỏ là 25oC, độ ẩm từ 60 - 80%. Trong khi đó, mùa hè ở Hương Sơn khá nóng, trung bình từ 30 - 35oC nên ảnh hưởng rất lớn đến sức đề kháng của thỏ.
Bởi vậy, tôi lợp mái tranh cho chuồng nuôi và dùng lưới mành phủ kín xung quanh để ánh nắng không chiếu trực tiếp vào tường nên giảm được từ 2 - 4oC so với nhiệt độ ngoài trời. Bên trong chuồng, tôi lắp thêm nhiều quạt trần, hệ thống nước phun sương tạo không khí mát mẻ, dễ chịu cho đàn thỏ" - anh Lê Hải Lý cho biết.
Lưới mành được anh Lý dùng để tránh ánh nắng trực tiếp vào tường nhằm giảm nhiệt độ trong chuồng.
Nhờ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo đủ dinh dưỡng từ thức ăn tinh và thô, dùng van nước tự động cho thỏ uống nên đàn thỏ của anh Lý sinh trưởng và phát triển tốt, số lượng thỏ nuôi ngày một tăng. Đến nay, mô hình chăn nuôi thỏ của anh Lý có hơn 600 con.
Mỗi tháng, anh xuất bán cho các thương lái, nhà hàng trên địa bàn xã và huyện từ 2 - 2,5 tạ thỏ thịt với giá từ 90 - 100 nghìn đồng/kg. Tính ra mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh Lý thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng.
Để mở rộng sản xuất, anh Lê Hải Lý lại tiếp tục đầu tư xây 4 bể nuôi ốc bươu đen với tổng diện tích 20 m2. Mặc dù, vừa học vừa làm nhưng bước đầu nuôi ốc bươu đã cho kết quả khả quan.
Mô hình chăn nuôi thỏ của anh Lý mở ra hướng đi mới cho nhiều đoàn viên trong phát triển kinh tế.
Bí thư Đoàn xã Sơn Tây Phan Sắc Biển cho hay: Với lối sống giản dị, dễ gần, không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Lý còn rất năng nổ tham gia các hoạt động, phong trào đoàn tại địa phương và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi cho các đoàn viên, thanh niên để cùng phát triển.
Qua đó, một số đoàn viên thanh niên, người dân trong xã, trong huyện đã đến tham quan học tập mô hình và mua thỏ giống về nuôi thử nghiệm. Bước đầu, đã có 10 hộ áp dụng mô hình thành công, thỏ sinh sản tốt, phát triển tăng đàn...