Chiều 6/9, tại xã Cẩm Bình, UBND huyện Cẩm Xuyên tổ chức hội thảo đánh giá mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Thành cùng đại biểu tham quan mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình.
Vụ hè thu năm 2023, huyện Cẩm Xuyên tiếp tục triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình với 31 hộ dân tham gia; quy mô 8 ha trên vùng tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung quy mô lớn.
Mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao ST25 ứng dụng phương thức mạ khay, máy cấy Kubuta theo công nghệ Nhật Bản; mật độ cấy hàng cách hàng 30cm, khóm cách khóm 16cm, mật độ 22 khóm/m2. Trước khi cấy, mạ được bắc trong 15 ngày. Từ khi cấy đến khi thu hoạch khoảng 97 - 102 ngày (tùy theo từng chân ruộng, điều kiện làm đất).
Với phương pháp này, mạ có thể cấy trước lịch gieo cấy đại trà khoảng 5 ngày; thời gian thu hoạch chậm hơn so với đại trà 5 ngày. Cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt so với lúa gieo thẳng ở các vùng đối chứng; cây đẻ nhánh nhiều, bộ lá chắc, đứng; bộ rễ phát triển khỏe, ăn sâu.
Ông Dương Thế Hoàng - Giám đốc Công ty cổ phần Hòa Lạc VRD: Thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai trung tâm mạ khay máy cấy khoảng 2ha ở huyện Cẩm Xuyên; mở rộng diện tích gieo cấy khoảng 100 ha trên địa bàn các xã đã tích tụ ruộng đất của huyện; triển khai hệ thống sấy, xay xát và đóng gói để nâng tầm gạo cho địa phương.
Qua đánh giá, mô hình cho năng suất ước đạt 2,4 - 2,7 tạ/sào. Chi phí đầu tư giữa sản xuất theo hướng hữu cơ và sản xuất truyền thống không chênh lệch.
Về hiệu quả kinh tế, nếu giống lúa Khang Dân 18 cho năng suất 2,8 tạ/sào, giá bán 8.500 đ/kg (lúa đã trau qua) thì giống lúa ST25 cho năng suất 2,5 tạ/sào có giá bán 12.000 đ/kg (lúa đã trau qua). Theo đó, hiệu quả kinh tế lúa ST25 cho lợi nhuận cao hơn 620.000 đồng/sào so với lúa Khang Dân 18. Đặc biệt, mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, tạo ra sản phẩm an toàn.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Hà Văn Bình đánh giá cao hiệu quả của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo xã Cẩm Bình triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 30 ha và làm việc với đơn vị tư vấn cấp giấy chứng nhận hữu cơ để thống nhất lộ trình thực hiện.
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên phát biểu tại hội thảo
Ngoài ra, các xã, thị trấn trên toàn huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân biết về hiệu quả bước đầu mang lại của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; quy hoạch vùng để tập trung chỉ đạo sản xuất lúa hữu cơ gắn với đề án sản xuất lúa hữu cơ của huyện; xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tiến tới sản xuất đạt chuẩn hữu cơ ngay tại địa phương để đúc rút kinh nghiệm và chỉ đạo nhân rộng.