Vừa tan buổi học, Nhi tất tả đạp xe qua trường mầm non đón cô em út 4 tuổi. Chưa kịp thay bộ áo trắng đồng phục, em đã lao vào bếp nấu cơm để cậu em thứ hai đang học lớp 5 đi học về còn kịp giờ ăn. Nấu cơm, quét dọn nhà cửa, vệ sinh cá nhân cho em… Thoăn thoắt, Nhi cứ như con thoi mà vẫn không hết việc.
Thiếu bàn tay của mẹ, vắng bóng dáng của cha, một mình Hiền Nhi phải chăm sóc, nuôi nấng hai em
Ở cái tuổi mà nhiều bạn bè cùng trang lứa còn “ăn chưa no, lo chưa tới” thì Hiền Nhi đã phải thay bố mẹ chăm sóc, dạy bảo các em. Nhìn dáng người gầy gò, nhỏ bé, ít ai nghĩ Hiền Nhi đã là học sinh lớp 8. Ấy thế mà, đã 2 năm nay, một mình Nhi “làm chủ gia đình”, nuôi nấng 2 em cho bố mẹ đi làm ăn xa.
“Bố mẹ em đi làm thuê ở Đà Nẵng, một năm vài lần thay phiên nhau về thăm con ít ngày rồi lại đi. Ở nhà, ba chị em tự chăm sóc nhau thôi ạ!” - Hiền Nhi tâm sự.
Ngoài đảm bảo việc học của bản thân, Nhi còn phải dạy em học bài mỗi tối
Thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, vắng bóng dáng của cha trong nhà nên trông Nhi chững chạc hẳn. Vì hoàn cảnh gia đình, tuổi thơ Nhi là những ngày tháng vất vả, nhọc nhằn, buộc em phải lớn trước tuổi. Sáng sớm, Nhi phải dậy từ 5h sáng nấu cơm, đánh thức các em dậy ăn sáng. Rồi chuẩn bị sách bút, quần áo cho cu lớn đi học, chở em gái út đến trường. Xong xuôi đâu đấy, Nhi mới đạp xe đến trường. Nhưng buổi tối mới là khoảng thời gian tất bật nhất trong ngày của Nhi. Em phải vừa làm việc nhà, vừa chăm em, lại phải học bài và hướng dẫn cho cậu em học. Giấc ngủ của cô bé út vẫn còn cần sự vỗ về của mẹ thì nay đã có chị thay thế.
Nhi còn tranh thủ thời gian làm thêm để kiếm tiền phụ việc ăn học của ba chị em
Không chỉ chăm sóc, dạy dỗ em, Nhi còn biết tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm thêm để kiếm tiền nuôi em. Hàng ngày, Nhi nhận ngao, hến của những người buôn bán ở chợ Trại (Hộ Độ) mang về nhà tách vỏ. Sau khi hoàn thành lại mang ra chợ trả hàng để nhận tiền công. Em cho biết, người ta trả công tách vỏ cho em 25 nghìn đồng/10 kg. Nếu hôm nào bận đi học, em làm được 10 kg, hôm được nghỉ thì có thể làm tới 30-40 kg. Số tiền công nhận được, em phụ thêm vào khoản bố mẹ gửi về hàng tháng để lo chi phí sinh hoạt, ăn uống và học hành cho 3 chị em.
Nhìn 3 đứa trẻ con sống lủi thủi trong căn nhà nhỏ, tôi ái ngại: “Không có người lớn ở cùng, các em có sợ không?”. Ánh mắt xa xăm, giọng Nhi chùng xuống: “Hồi đầu thì có nhưng giờ bọn em quen rồi, với lại có các bác hàng xóm qua lại thường xuyên nên cũng không sợ. Nhưng, mấy chị em nhớ bố mẹ lắm. Nhìn những gia đình khác sum vầy, em chỉ mong tết đến thật nhanh để bố mẹ về. Mẹ con cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón tết thì vui biết mấy!”.
Ba chị em đếm từng ngày đến tết để được đón bố mẹ về
Nhi khoe với tôi, tối hôm qua, mẹ vừa gọi điện bảo 25 tết bố mẹ sẽ về. Với chị em Nhi, nỗi mong chờ không chỉ là bánh kẹo, quần áo mới, tiền lì xì mà bố mẹ về tết là mang theo cả mùa xuân. Tôi biết, đó là niềm vui, niềm mong ngóng lớn nhất của 3 đứa trẻ lúc này.
Vì cuộc sống mưu sinh, vẫn còn rất nhiều những đứa trẻ phải sống xa bố mẹ như chị em Nhi và tết là nỗi chờ đợi, là niềm hạnh phúc của những ngày ấm áp đoàn viên.