Sập nhà dân ở Hương Khê
Thống kê bước đầu cho thấy, toàn tỉnh có 69.112 nhà dân bị đổ, tốc mái. Trong đó, các địa phương có số nhà bị thiệt hại nhiều nhất là thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà...
Nhà tốc mái đếm không xuể
Mưa bão còn làm ngập 29 thôn với 4.699 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông (Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà), trong đó tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên bị ngập toàn xã với 2.400 hộ có nới ngập sâu từ 0,6m đến 0,7m.
Trên 3.100ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000 ha nước ngọt và 1.100ha mặn, lợ (800ha tôm và 300ha nhuyển thể) bị ngập, hư hại hoàn toàn; đặc biệt có khoảng 60 tấn tôm của Công ty Grobet, thuộc xã Kỳ Phương đã đến kỳ thu hoạch những chưa thu hoạch kịp bị thiệt hại nặng.
Nhiều diện tích bưởi đang kỳ thu hái bị hư hỏng
Gần 1.000 ha lúa mùa và nhiều diện tích rau màu bị bị ngập, hư hỏng nặng và khoảng 70% diện tích cây xanh, cây lâm nghiệp bị đỗ gãy chưa thể thống kê được. Khoảng 8.000ha cây ăn quả, trong đó có 2.000 ha bưởi đang trong thời kỳ thu hoạch và 6.000 ha cam rất nhiều quả bị ảnh hưởng, hư hại.
Hà Tĩnh có 5 tàu cá và 1 con đò ngang bị bão đánh chìm
Bão số 10 cũng khiến nhiều trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, đơn vị bị tốc mái. Hệ thống điện thắp sáng toàn tỉnh bị tê liệt từ lúc 10 giờ, đến nay có nơi chưa thể khắc phục được; hàng ngàn cột điện hạ thế, đường điện thắp sáng bị đổ gãy; riêng tại thị xã Kỳ Anh, cột ăng-ten Đài Phát thanh - Tuyền hình và cột phát sóng Viettel bị đổ sập dẫn đến mất liên lạc nhiều giờ.
Cột ăng-ten Đài TT-TH thị xã Kỳ Anh bị sập đổ
BVĐK thị xã Kỳ Anh tan hoang
Tuyến đê Tả Nghèn - Lộc Hà (đoạn đê sông con) có cống nhà Chùa (thường gọi là cống Đồng Muối tại K48) bị xói trôi gây ngập diện tích đồng muối phía trong (UBND huyện Lộc Hà đã thông báo cho nhân dân biết để có biện pháp phòng chống, đồng thời đang huy động lực lượng và chỉ đạo chính quyền địa phương xử lý tạm thời). Tuyến đê biển Cẩm Hà - Cẩm Lộc bị nước triều tràn qua với chiều dài 2,0km (ngay khi xảy ra sự cố UBND huyện Cẩm Xuyên đã huy động nhân lực, vật tư, phương tiện tổ chức đắp con chạch bao tải chống tràn).
Nhiều tuyến đường bị hư hỏng, gây ách tắc giao thông
Đường Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Kỳ Anh bị tạm dừng hoạt động nhiều giờ, nhiều tuyến giao thông liên xã thuộc các địa phương ven biển bị ngập sâu gây khó khăn cho việc đi lại và ứng cứu giúp đỡ bà con nhân dân.
Thiệt hại do bão số 10 gây ra đối với Hà Tĩnh lớn hơn rất nhiều so với cơn bão số 2 và số 4 vừa qua. Hà Tĩnh khẩn thiết đề nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành hỗ trợ kinh phí giúp địa phương khắc phục hậu quả hết sức nặng nề trên địa bàn toàn tỉnh.
Hệ thống mái của khu nhà ở cho công nhân KKT Vũng Áng ở phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh) bị gió giật bay, đổ gãy
Do ảnh hưởng của bão trên địa bàn Hà Tĩnh đã có mưa lớn, lượng mưa đo được tại từ 7 giờ ngày 14/10 đến 19 giờ ngày 15/10 tại Linh Cảm 157mm, Sơn Kim 160mm, Sơn Diệm 173mm, Chu Lễ 285mm, Hòa Duyệt 190mm, Thạch Đồng 224mm, Cẩm Nhượng 238mm, TP Hà Tĩnh 339mm, Kỳ Anh 285mm, Hoành Sơn 312mm, Hương Khê 307mm, Hương Sơn 170mm, Kẻ Gỗ 141mm, Sông Rác 165mm. Mực nước lũ trên sông Ngàn Sâu lúc 17h ngày 15/7 tại Chu Lễ là 11,94m thấp hơn BĐ II (12,0m) là 0,06m; tại trạm Hòa Duyệt là 6,48m thấp hơn BĐI (7,5m) là 1,02m. Mực nước một số hồ chứa lớn: hồ Kẻ Gỗ 27,75m/32,5m tương ứng 217 triệu/345 triệu m3; Sông Rác mực nước 19,14/23,2m, tương ứng dung tích 68,03 triệu/124,5 triệu m3; các hồ chứa nước ở Hà Tĩnh cơ bản đã tích đầy. Một số hồ có cửa van điều tiết như Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, Sông Rác, Kim Sơn, Thượng Sông Trí, Tàu Voi… đã xã lũ với lưu lượng từ 20-150m3/s; riêng hồ Thủy điện Hố Hô bắt đầu xã tràn bắt từ lúc 6 giờ ngày 15/9 với lưu lượng 34m3/s, nhưng do mưa rất lớn, lượng nước về hồ nhanh nên đến 17giờ ngày 15/9, Nhà máy đã phải tăng lưu lượng xả lên 1.170m3/s. |