Hồ chứa nước Ngàn Trươi. Ảnh Nguyễn Thanh Hải
Đón chúng tôi tại bến đò bắt đầu cuộc hành trình là Đại úy Lê Tuấn Anh - nhân viên Đội Phòng chống tội phạm và ma túy Đồn Biên phòng Hương Quang và các chiến sĩ của đồn. Hương Quang là đồn biên phòng có nhiều khó khăn nhất trong hệ thống đồn, trạm biên phòng ở Hà Tĩnh. Các anh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới với chiều dài 43 km, 14 cột mốc quốc gia. Khó khăn lớn nhất đối với Đồn Biên phòng Hương Quang đó là địa bàn biên giới dài, rộng nhưng đường giao thông và phương tiện thông tin hết sức khó khăn, khu vực biên giới có mỏ khoáng sản lớn nên thu hút nhiều tội phạm lén lút hoạt động. Để đến được cột mốc quốc gia, cán bộ, chiến sĩ phải mất 6 ngày trèo đèo, lội suối, ăn ở trong rừng sâu, núi thẳm.
Có lẽ, ý thức về nhiệm vụ vinh quang và tinh thần xả thân vì Tổ quốc đã trở thành máu thịt của mỗi người lính nơi đây. Lên biên giới đúng dịp mùa xuân sắp về, tận mắt chứng kiến nỗi gian lao của các anh, tôi vô cùng cảm phục và hiểu hơn giá trị của hòa bình, hạnh phúc mình đang được hưởng. Các anh là niềm tin, là điểm tựa lòng dân nơi biên giới.
Dù gian khổ nhưng cán bộ, chiến sỹ vẫn luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh Thanh Giang
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc, Đồn Biên phòng Hương Quang cùng với lực lượng bảo vệ rừng quốc gia Vũ Quang và các phòng, ngành, lực lượng chức năng của huyện Vũ Quang kiểm soát khu vực biên giới, ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm lâm luật, khai thác vàng trái phép, đánh bắt cá “tận diệt’ cũng như các hoạt động phi pháp khác. Hồ Ngàn Trươi là công trình chính trong hệ thống thủy lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi - Cẩm Trang, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 8 huyện, thị xã phía Bắc Hà Tĩnh. Vùng hạ du đập Ngàn Trươi có các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia như: Tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam. Rừng quốc gia Vũ Quang là một trong những địa danh có đa dạng sinh học cao.
Động vật ở đây rất phong phú, có tới hàng chục loài thú, loài bò sát, loài lưỡng cư, loài cá, hàng trăm loài chim, có nhiều thú quý hiếm cần được bảo vệ. Đặc biệt, đây là nơi đầu tiên trên thế giới phát hiện hai loài thú lớn mới là sao la và mang lớn. Tuần tra bảo vệ biên cương, bảo vệ các công trình kinh tế trọng điểm, bảo vệ rừng và xây dựng cuộc sống bình yên nơi vùng biên là nhiệm vụ của các anh. Hồ Ngàn Trươi mênh mông, rừng quốc gia Vũ Quang bạt ngàn in dấu bước chân và những giọt mồ hôi nhọc nhằn của người lính biên phòng.
Đi du thuyền trên hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang mang lại cảm giác tuyệt vời cho du khách... Ảnh Vườn Quốc gia Vũ Quang cung cấp
Cano đưa chúng tôi lướt nhanh trên mặt hồ Ngàn Trươi. Vài đảo nhỏ nổi lên giữa lòng hồ, trên đảo mọc đầy hoa cúc dại. Vượt qua những rặng cây xơ xác đang lụi tàn vì ngập nước, chúng tôi vào sâu trong lòng hồ, chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ miền biên ải và công trình vĩ đại do con người kiến tạo nên. Nơi đây từng có những xóm làng yên ả, khói lam chiều, gà tao tác... nhưng đã phải chịu trận đại hồng thủy chưa từng có trong lịch sử để xây dựng một công trình thủy điện tầm cỡ quốc gia, hứa hẹn đem lại sự trù phú, ấm no hơn cho cả một vùng rộng lớn.
Để phục vụ dự án thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang, người dân 2 xã Hương Quang và Hương Điền phải di dời tới khu tái định cư. Đồn Biên phòng Hương Quang cũng phải di dời ra sát biên giới, đóng quân ở vị trí mới đặc biệt khó khăn: Xa dân, không điện lưới, không sóng điện thoại và không đường bộ, trở thành đồn “4 không”.
Sóng điện thoại không thể đến được giữa rừng mênh mông hiểm trở, các anh phải đi bộ 5 km ra vùng “rớt sóng”, giơ tay hứng máy điện thoại hàng giờ để “hóng những giọt thông tin” hiếm hoi về gia đình, người thân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ở lại đồn vì nhiệm vụ không về nhà ăn tết. Xa dân, các anh hầu như phải tự túc mọi việc. Những ngày đầu chưa có thuyền, cano, các anh phải đóng bè vận chuyển lương thực, thực phẩm vượt 27 km trên hồ, rồi chạy bằng xe công nông, xe máy 12 km đường rừng mới vào đến đồn.
Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và Hội Phụ nữ BĐBP Hà Tĩnh vừa đến thăm, tặng quà và tổ chức đón tết sớm cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Hương Quang. Ảnh Minh Toàn
Điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên và ngưỡng mộ là các chiến sĩ thuộc rất nhiều bài hát, đặc biệt các bài hát về quê hương Hà Tĩnh. Trong đoàn công tác của tôi có nhạc sĩ Quốc Nam, tác giả ca khúc “Điệu ví giặm là em” và nhiều ca khúc mang hồn quê Xứ Nghệ nổi tiếng khác. Ông đã hát cho bộ đội nghe ca khúc mới nhất mà ông sắp công bố. Lúc chia tay, Đồn trưởng Long chỉ lặng lẽ ao ước một điều: “Bác hãy viết cho bộ đội chúng con một ca khúc nhé”.
Mùa xuân lại về, tôi chắc rằng, trong trái tim người nhạc sĩ già đang tư lự kia, một giai điệu mới say đắm hồn người về các chiến sĩ bộ đội biên phòng sắp vang lên.
Ngày 25/12/2018
Ban Tuyên giáo Trung ương