Cả xứ đồng Tân Cần của thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) ngập tràn màu vàng óng ả của lúa chín hòa cùng hương thơm của thóc mới. Trên cánh đồng, người dân hối hả thu hoạch lúa hè thu. Tiếng máy, tiếng người rộn vang cả một góc trời.
Khuân những bao lúa nặng trĩu lên bàn cân, chị Nguyễn Thị Dung (thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành - người mặc áo xanh) phấn khởi: “Một sào vừa gặt xong cân ngay tại chân ruộng được 4,2 tạ, đây là năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay. Hiện nay, lúa tươi được thu mua 5.400 đồng/kg, cao hơn thị trường 900 đồng/kg. Trao lúa xong, chúng tôi nhận tiền tươi chứ không phải vất vả canh thời tiết để phơi khô lúa như trước”.
Cũng đang “trao thóc, nhận tiền”, bác Dương Thức (thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành - người bên phải) cho biết: “Gia đình tôi làm 11 sào nhưng có 5 sào liên kết với doanh nghiệp. Với 5 sào liên kết, tôi được cầm tay chỉ việc từ xuống giống đến thu hoạch nên năng suất đạt trung bình 4 tạ/ha lúa tươi, cao hơn gần 1 tạ/ha so với diện tích không liên kết. Lúa thu hoạch xong cũng được doanh nghiệp thu mua với giá theo hợp đồng nên ai nấy đều phấn khởi”.
Hiện tại, trên địa bàn xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên có 108 hộ dân liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh để sản xuất lúa giống Khang dân 18 và BQ. Tổng diện tích liên kết gần 40 ha, tập trung ở 2 thôn: Đồng Bàu và Tân Vĩnh Cần.
Ngoài cánh đồng ở xã Cẩm Thành, Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh còn liên kết sản xuất lúa giống với bà con nông dân ở các xã: Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà), Yên Hồ và Tân Dân (Đức Thọ). Tổng diện tích liên kết sản xuất trên toàn tỉnh của công ty đạt hơn 100 ha.
Ông Nguyễn Thái Vũ - cán bộ địa chính, nông nghiệp, xây dựng NTM xã Lưu Vĩnh Sơn cho biết: Vụ hè thu này, địa phương liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh sản xuất cánh đồng lúa giống Xuân Mai rộng 10 ha. Lúa giống yêu cầu chất lượng, độ chín cao nên hiện tại bà con vẫn chưa thu hoạch. Với mô hình liên kết này, chúng tôi đánh giá năng suất cao hơn so với sản xuất thường, giá cả thu mua theo hợp đồng cũng cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với thị trường. (Trong ảnh: Lãnh đạo xã Lưu Vĩnh Sơn đi kiểm tra cánh đồng liên kết sản xuất giống lúa Xuân Mai).
Theo bà con nông dân ở những cánh đồng đã cho thu hoạch như: xã Cẩm Thành hay xã Yên Hồ, vụ hè thu này, lúa tươi đạt năng suất hơn 4 tạ/sào. Đây là năng suất cao nhất từ trước đến nay kể từ khi người dân triển khai liên kết sản xuất với Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh. "Thực tế thu hoạch lúa tươi tại cánh đồng liên kết giống ở thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành cho năng suất bình quân 4 tạ/sào. Sau khi trừ khấu hao phơi sấy, ngành chuyên môn đánh giá năng suất lúa tại đây đạt 3,5 tạ/sào, cao hơn so với lúa thương phẩm khác 0,5 tạ/sào" - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh cho hay.
Lúa sau khi thu gom xong được Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh vận chuyển về lò sấy của đơn vị để sấy khô. Từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp đầu tư thêm 2 lò sấy, nâng tổng số lò sấy hiện có lên 3 lò. Với 3 lò sấy hoạt động 24/24h, mỗi ngày, công ty có thể sấy hơn 100 tấn lúa tươi để bảo toàn năng suất, chất lượng lúa giống. Ngoài việc thu gom, bảo quản lúa giống, doanh nghiệp còn thu mua lúa nguyên liệu để phục vụ hoạt động chế biến, sản xuất sản phẩm gạo OCOP Xuyên Hương.
Bà Võ Thị Hồng Minh - Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cho biết: “Hơn 100 ha diện tích liên kết với bà con dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 500 tấn lúa. Chúng tôi sẽ dự trữ khoảng 200 tấn làm lúa giống, còn lại sẽ dự trữ nguyên liệu để sản xuất gạo Xuyên Hương. Ngoài tập trung thu mua theo hợp đồng 100% diện tích trong liên kết, để chia sẻ với người nông dân trong vụ hè thu, công ty đã chủ động làm việc với các huyện, tạo điều kiện cho người dân sấy khô lúa nếu có nhu cầu. Riêng đợt lụt tháng 10 năm ngoái, chúng tôi đã sấy miễn phí hơn 230 tấn lúa bị ngập lụt, tránh thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho bà con nông dân".