Cán bộ Cục Thuế Hà Tĩnh hỗ trợ người nộp thuế quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Công tác tại một ngân hàng Nhà nước trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, vừa qua, quyết toán thuế năm 2021, chị Nguyễn Thanh (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) phải đóng hơn 12 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân.
Chị Nguyễn Thanh chia sẻ: “Tôi không có giảm trừ gia cảnh mà chỉ được giảm trừ của bản thân nên mức thuế phải chịu cao chứ thực ra thu nhập của tôi một tháng bình quân chỉ khoảng 15 triệu đồng. Gần đây, vật giá leo thang, nhất là giá xăng tăng cao nên với mức thu nhập này, trừ đóng nộp thuế thu nhập cá nhân thì tôi phải cân nhắc mới đủ chi tiêu”.
Nhiều người làm công ăn lương trên địa bàn Hà Tĩnh cho rằng mức tính thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp với thực tế. Ảnh minh họa từ internet
Cũng mang nhiều “tâm tư” khi vừa bị khấu trừ hơn 10 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân trong kỳ quyết toán thuế năm 2021, anh Nguyễn Quốc Minh - công chức một cơ quan hành chính sự nghiệp giãi bày: “Vợ mình sức khỏe yếu nên hiện nay chỉ ở nhà nội trợ. Tuy nhiên, cô ấy vẫn đang trong độ tuổi lao động nên không được xem là người phụ thuộc. Mình chỉ được giảm trừ bản thân. Năm 2021, mình phải đóng thuế thu nhập cá nhân hơn 10 triệu đồng. Đây là khoản tiền không hề nhỏ đối với gia đình trong khi chi phí sinh hoạt đều tăng từng ngày”.
Theo nhiều người lao động trên địa bàn Hà Tĩnh, thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên giá thực phẩm, dịch vụ, xăng dầu… được điều chỉnh tăng nhiều lần. Riêng giá xăng từ cuối tháng 1/2022 đến nay đã 6 lần điều chỉnh tăng giá liên tiếp. Vật giá tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động. Trong khi đó, chính sách thuế thu nhập cá nhân vẫn không được điều chỉnh, mức giảm trừ đối với người nộp thuế và mức giảm trừ đối với người phụ thuộc vẫn giữ nguyên gần 2 năm qua khiến người dân cảm thấy băn khoăn.
Xăng dầu, thực phẩm, dịch vụ các loại đều điều chỉnh tăng giá nhưng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân thì vẫn “đứng yên” trong gần 2 năm qua.
Ông Đặng Quốc Hiền - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Nhà nước thực hiện giảm thuế đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng với người làm công ăn lương thì vẫn chưa có chính sách hỗ trợ. Theo mức giảm trừ đối với người lao động là 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay, tôi thấy đã quá thấp và không phù hợp so với chi tiêu thực tế của người dân trong bối cảnh vật giá đều tăng cao".
Được biết, mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân hiện đang áp dụng theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng (132 triệu đồng/năm) từ tháng 7/2020 nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng là lạc hậu khi nền kinh tế đã tăng trưởng nhiều và giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ cũng không ngừng tăng cao. Vì vậy, người lao động trên địa bàn Hà Tĩnh đều kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh cho cả người nộp thuế và người phụ thuộc là điều hiển nhiên.
Cán bộ Văn phòng Cục Thuế Hà Tĩnh hỗ trợ người nộp thuế qua điện thoại
Ông Phan Ngọc Minh - Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Hà Tĩnh) cho biết: “Mới đây, Bộ Tài chính có văn bản gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi 6 luật thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nội dung rà soát, đánh giá góp ý sửa đổi gồm: đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh... Hiện nay, ngành thuế đang nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất để trình Bộ Tài chính, trình Quốc hội để có điều chỉnh phù hợp về thuế thu nhập cá nhân, từ đó giảm áp lực cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương".