Con thứ 3, thứ 4 - vẫn quan niệm cũ
Lấy chồng từ thuở đôi mươi nên mới bước sang tuổi 29 chị Hoàng Thị Nhất ở thôn Dinh Tân, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) đã có 3 người con (cháu đầu 8 tuổi, cháu thứ 2 hơn 2 tuổi và cháu thứ 3 mới hơn 10 tháng tuổi).
Cuộc sống của mẹ con Nhất phụ thuộc vào nghề đi biển của chồng
Nhất cho biết: “Chồng đi biển nên việc chính của tôi là ở nhà chăm sóc con cái. Ở đây đất chật người đông, mảnh vườn trong nhà cũng chỉ toàn cát nên việc có nhiều con, đặc biệt là có con trai để thêm nhân lực đi biển rất quan trọng. May mắn thay sinh đến đến cháu thứ 3 tôi đã được như ước nguyện”.
Cả nhà 5 miệng ăn đều phụ thuộc vào công sức lao động của chồng nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Dẫu vậy, khi được hỏi về việc sẽ dừng lại ở 3 con hay tiếp tục sinh thêm, bà mẹ 29 tuổi cũng chỉ cười trừ mà không nói.
Chị Trần Thị Nguyệt, cộng tác viên dân số thôn Dinh Tân cho biết: “Không riêng Nhất mà hầu hết chị em phụ nữ ở đây đều như thế. Chồng đi biển, hoặc đi xuất khẩu lao động nên họ chỉ có việc ở nhà sinh đẻ, chăm con, chờ chồng. Dù chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền vận động nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn cao. Nhiều người trong số đó còn sinh con thứ 4, thứ 5…”.
Tất bật với mưu sinh và chăm sóc 4 người con nên chị Lực (người thứ 2 từ phải sang) trông già dặn hơn so với lứa tuổi 35
Tất bật với việc chăm sóc 4 người con, vừa cùng chồng lo mưu sinh nên chị Phạm Thị Lực ở thôn 6 Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) trông già dặn hơn nhiều ở tuổi 35. Chị Lực cho biết: "Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và nghề đi xây của chồng nên kinh tế gia đình khá vất vả. Nhưng do chồng là con trai trưởng nên tôi phải cố gắng sinh cho được con trai để nối dõi nối dòng. May sao đến cháu thứ 4 thì mới được như mong muốn...”.
Mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, để có thêm nguồn nhân lực lao động trong những lĩnh vực nghề nghiệp nặng nhọc... đã khiến công tác dân số vì thế mà còn gặp nhiều khó khăn. Hà Tĩnh vẫn đang là một trong những địa phương có mức sinh cao của cả nước.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm sinh
Tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp và giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao.
Trong quyết định này, ngoài một số nhiệm vụ, giải pháp thì nội dung được nhiều người dân quan tâm đó là việc điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên quan đến vấn đề sinh đẻ.
Để thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, đội ngũ cán bộ, công tác viên cơ sở đã thường xuyên duy trì công tác đến từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền vận động
Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều người chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng về các nội dung trong việc điều chỉnh này nên dẫn đến nhiều luồng ý kiến khác nhau. Thậm chí có người còn hiểu rằng, Quyết định này cho phép người dân sinh con thứ 3 một cách thoải mái. Đó cũng là lý do khiến công tác dân số càng thêm khó.
Ông Bùi Quốc Hùng, Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh cho biết: “Hà Tĩnh vẫn đang là một trong những tỉnh có mức sinh cao so với cả nước. Vì thế, việc điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng như tinh thần Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng bằng việc tiếp tục thực hiện giảm mức sinh, phấn đấu đạt mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện cuộc vận động mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo Đề án thực hiện công tác dân số trong tình hình mới trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030.”.
Trước mắt, mục tiêu này đã và đang được ngành dân số tỉnh thực hiện bằng việc phủ sóng chiến dịch tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến tận người dân, tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án nâng cao chất lượng dân số.