Đầu năm 2020, anh Lê Sỹ Tân (SN 1982, quê tại xã Thiên Lộc, Can Lộc) đã kết hợp với ông Trương Văn Thủy (SN 1968) cùng một số người bạn tìm hiểu và đầu tư gần 200 triệu đồng để nhập hạt giống ớt Peru về trồng thử nghiệm tại trang trại rộng hơn 1 ha của ông Thủy ở thôn Quý Linh (xã Thạch Xuân, Thạch Hà).
Giai đoạn đầu, do chưa hiểu về đặc tính sinh trưởng của loại ớt này nên anh Tân gặp nhiều khó khăn và thất bại trong lần ươm hạt. Rút kinh nghiệm, anh tiếp tục đầu tư hơn 50 triệu đồng để nhập 200 cây giống về trồng. Dù vậy, ở lần trồng thử nghiệm này, anh Tân vẫn chưa thu được kết quả khả quan bởi anh vẫn chưa nắm được hết đặc tính của cây. Thế nên, hơn một nửa số cây đã chết sau một thời gian trồng.
Anh Tân chia sẻ: “Với quyết tâm phải trồng được loại ớt đắt đỏ này, tôi tiếp tục học hỏi, đúc rút kinh nghiệm qua sách, báo, Internet để nghiên cứu kỹ đặc tính của cây. Nhờ vậy, đến lần thử nghiệm thứ 3, tôi bước đầu gặt được thành công. Đến nay, tổng số tiền tôi bỏ ra để mua giống ớt Peru về trồng cũng đã hơn 300 triệu đồng, chưa kể đến đầu tư hệ thống tưới tiêu, phân bón hữu cơ…".
Sau gần 3 năm trồng, hiện trang trại của anh Tân đã có trên 500 gốc ớt đang cho thu hoạch. Theo anh Tân, giống ớt Aji Charapita có nguồn gốc từ các vùng phía Bắc của đất nước Peru, là loại cây trung hạn, có độ cao 40 - 55 cm, tán rộng 35 - 45 cm. Quả khi chín có màu vàng cam, hình tròn, kích thước chỉ nhỏ gần bằng hạt lạc nhân, nhưng lại có vị cay nồng, mùi thơm đặc trưng riêng có.
Theo kinh nghiệm của anh Tân, ớt Peru sinh trưởng và phát triển tốt nhất là ở nhiệt độ từ 25 đến 37 độ C. Sau khi trồng được khoảng gần 4 tháng cây có thể cho trái.
Cũng theo anh Tân, ớt Peru mỗi năm thu hoạch 5 - 6 lứa; nếu được chăm sóc tốt thì cây có thể cho thu hoạch từ 3 - 4kg quả/năm. Trung bình mỗi kg ớt tươi đạt khoảng 3.000 trái.
"Trái ớt có kích thước nhỏ nên tốn khá nhiều thời gian để thu hoạch. Thêm vào đó, loại ớt này có đặc tính sẽ bị nhạt vị nếu thu hoạch liền sau mưa nên chúng tôi chỉ có thể tranh thủ những lúc trời nắng để hái nhằm đảm bảo ớt có chất lượng tốt nhất", anh Tân chia sẻ.
Hiện tại, ớt Peru đang được anh Tân bán cho giới “sành ăn” với giá 700 nghìn đồng/kg, đây cũng là loại ớt có giá thành đắt đỏ nhất thế giới. Thị trường tiêu thụ ớt chủ yếu ở các TP lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Loạt ớt này ngoài làm gia vị thì còn mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe bởi chưa nhiều khoáng chất và kali giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa bệnh tim. Do vậy, sản phẩm làm ra cung không đủ cầu bởi thị trường rất ưa chuộng loại ớt này.
Sau những bước đầu thành công với việc bán trái ớt Peru, anh Tân còn bán thêm cây ớt cảnh cho những người có nhu cầu. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm anh Tân thu về gần 300 triệu đồng tiền lãi từ việc bán cây và trái ớt.
Được biết, 500 cây ớt Peru của anh Tân được canh tác hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ. Từ giống cho đến phân bón, nước tưới đều phải sạch, có như vậy ớt mới đạt hàm lượng dinh dưỡng cao nhất.
Trang trại trồng ớt của anh Tân hiện đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương. Đồng thời, việc nhân giống thành công loại ớt Peru có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao hứa hẹn mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân trên địa bàn.
Bước đầu, địa phương đánh giá ớt Peru là loại cây có thể thích nghi và phát triển khá tốt trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Thạch Xuân. Dù trải qua nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu khi ươm giống nhưng anh Lê Sỹ Tân cùng với những lao động địa phương đã kiên trì khắc phục những sai sót để mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân.
Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân Nguyễn Huy Hà