Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay đang làm việc với các cơ quan khác để xác định xem liệu “hành động” của SMIC có khiến công ty này phải có tên trong danh sách Entity List không. Nếu điều đó xảy ra, doanh nghiệp Mỹ muốn bán hàng cho SMIC phải xin giấy phép đặc biệt, quy trình xuất khẩu phải trải qua đánh giá toàn diện hơn.
Trước thông tin này, SMIC tuyên bố trên tài khoản WeChat chính thức: “Chúng tôi không có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Bất kỳ giả định nào về quan hệ của công ty với quân đội Trung Quốc đều là phát ngôn không chính xác và cáo buộc giả mạo”.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sue Gough từ chối bình luận lý do nhằm vào SMIC. Trước đây, Lầu Năm Góc từng cảnh báo nỗ lực tăng cường sức mạnh trong các công nghệ như bán dẫn của Trung Quốc sẽ làm lợi cho quân đội. Báo cáo tháng 8 của nhà thầu quốc phòng SOS International chỉ ra SMIC có nhiều liên hệ với lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc, bao gồm quan hệ với CETC, một nhà phát triển thiết bị điện tử quân sự quốc doanh. SMIC giúp CETC thử nghiệm công nghệ sản xuất mới và dùng công nghệ của CETC trong việc sản xuất, theo báo cáo. SOS cũng cho biết các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc tiết lộ trong các nghiên cứu về việc dùng công nghệ SMIC để sản xuất chip.
Entity List, danh sách cấm vận thương mại của Bộ Thương mại Mỹ, trở thành công cụ yêu thích của chính quyền Trump để gây áp lực lên Trung Quốc. Đã có hơn 300 pháp nhân Trung Quốc trong danh sách.
Thành lập năm 2000 tại Thượng Hải, SMIC nằm trong số 5 nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới, theo Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC). Các chuyên gia trong ngành nhận xét công nghệ SMIC vẫn tụt hậu so với các công ty Đài Loan và Mỹ song việc Bắc Kinh bơm hàng tỷ USD vào ngành bán dẫn đã giúp SMIC đuổi bắt đối thủ.
Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), SMIC được hưởng hỗ trợ tài chính hào phóng từ chính phủ, bao gồm các khoản vay lãi suất thấp, giãn thuế và đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất. Chuyên gia phương Tây cho rằng các công ty bán dẫn Trung Quốc dù đang phát triển vẫn lệ thuộc vào một số công nghệ Mỹ như phần mềm và thiết bị cần để sản xuất chip.
Báo cáo của OECD chỉ ra SMIC khởi đầu với tư cách công ty tư nhân song đến năm 2018 nhà nước đã nắm 45% cổ phần. Năm 2018, Mỹ đưa nhà sản xuất chip khác của Trung Quốc là Fujian Jinhua Intergrated Circuit vào danh sách đen với lý do gây nguy cơ lớn khi tham gia vào hoạt động đi ngược với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Cùng lúc này, Mỹ tố cáo Fujian Jinhua đánh cắp bí mật thương mại từ công ty bán dẫn Micron của Mỹ.
Bản cáo trạng liên bang cáo buộc Fujian Jinhua lợi dụng nhân viên Micron tại Đài Loan để đánh cắp dữ liệu nhạy cảm liên quan tới thiết kế, sản xuất chip DRAM dùng trong quốc phòng. Fujian Jinhua phủ nhận cáo buộc. Khi cấm vận Fujian Jinhua, Bộ Thương mại Mỹ nói kế hoạch sản xuất DRAM của hãng đe dọa “năng lực sinh tồn kinh tế của các công ty Mỹ cung ứng linh kiện thiết yếu của hệ thống quân sự Mỹ”.
Theo Du Lam (Theo WashingtonPost)/ictnews