Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Sky News. |
Tháng 2/2018 là quãng thời gian bận rộn với các quan chức Mỹ, khi họ phải liên tiếp thông báo về những lệnh trừng phạt áp dụng với các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Một gói biện pháp trừng phạt do Bộ Tài chính Mỹ ban hành nhắm vào Bình Nhưỡng với hàng loạt tàu hàng, công ty cùng những tổ chức khác bị cáo buộc vận chuyển than đá và nhiên liệu cho Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt trước đây.
Tiếp đó, một lệnh cấm vận khác được Mỹ đưa ra, nhắm vào những kẻ buôn lậu ma túy Colombia, buôn lậu dầu Libya cùng các cá nhân dính cáo buộc lạm dụng tình dục và tuyển mộ trẻ em làm binh sĩ ở Congo.
Washington còn tiếp tục tung thêm nhiều biện pháp trừng phạt nhắm tới những nhóm khủng bố ở Pakistan, Somali và Philippines, cùng lực lượng Hezbolla ở Lebanon.
Những tháng gần đây, các biện pháp trừng phạt tương tự vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi một chiến lược cứng rắn, sử dụng những công cụ kinh tế thay thế cho sức mạnh quân sự nhằm chống lại đối thủ, theo Washington Post.
Phần lớn các lệnh trừng phạt được ban hành nhắm vào những chính quyền bị cho là đe dọa lợi ích an ninh quốc gia Mỹ, bao gồm Triều Tiên, Iran và Nga. Nhưng chính quyền Donald Trump còn coi lệnh trừng phạt như biện pháp chống lại những hành vi gây bất ổn.
Mỹ từ lâu đã dùng các biện pháp trừng phạt như công cụ chống lại những thế lực đối đầu, song chúng mới được sử dụng thường xuyên hơn từ sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Biện pháp trừng phạt được coi là một công cụ hữu hiệu giúp ngăn chặn các nhóm khủng bố tiếp cận với hệ thống tài chính quốc tế, đồng thời giúp trấn áp những hành vi lạm dụng nhân quyền hay tham nhũng. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định việc lạm dụng, biến chúng thành một chính sách đối ngoại hàng đầu có thể gây ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ đối với các đồng minh và tiềm ẩn nguy cơ làm giảm giá trị đồng USD.
Các quan chức chính quyền Mỹ phủ nhận mọi lời chỉ trích, cho rằng biện pháp trừng phạt đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc thuyết phục những quốc gia như Iran hay Triều Tiên đồng ý thảo luận về chương trình vũ khí hạt nhân của họ.
"Không có gì phải nghi ngờ, chúng tôi hoàn toàn có chiến lược và suy tính khi sử dụng các công cụ này", Sigal Mandelker, thứ trưởng phụ trách về chủ nghĩa khủng bố và tình báo kinh tế tại Bộ Tài chính Mỹ, khẳng định. "Khi bạn biết về những tội ác đang xảy ra hay hành vi tham nhũng của một số lãnh đạo, tại sao không cách ly họ khỏi thị trường tài chính?"
Tác dụng ngược
Một tàu hàng của CMA CGM, công ty vận tải lớn thứ ba thế giới của Pháp vừa quyết đinh rút khỏi Iran vì lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ. Ảnh: AFP. |
Theo một phân tích từ hãng luật Gibson Dunn, chính quyền Mỹ hồi năm ngoái đã ban hành gần 1.000 lệnh trừng phạt với cá nhân và tổ chức, cao gần gấp ba lần so với con số trong năm nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Barack Obama.
"Bị áp đặt lệnh trừng phạt chẳng khác nào chịu án tử hình về mặt kinh tế", Judith Alison Lee, đồng chủ tịch Nhóm Thương mại Quốc tế thuộc Gibson Dunn, bình luận. "Ban hành lệnh trừng phạt là việc làm khá dễ dàng với bất kỳ chính quyền nào bởi chúng không đòi hỏi phải thông báo trước hay giám sát tư pháp và chúng có hiệu lực ngay lập tức".
Các biện pháp trừng phạt từ Mỹ luôn có uy lực nhất thế giới, phần lớn bởi rất nhiều giao dịch quốc tế, từ lĩnh vực ngân hàng tời dầu mỏ, đều được thực hiện bằng đồng USD.
Nhưng giới phê bình cảnh báo việc quốc hội và chính phủ Mỹ tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt dễ có khả năng làm suy giảm hiệu quả của chúng.
Trong bài phát biểu năm 2016, cựu bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo rằng việc lạm dụng lệnh trừng phạt sẽ khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư xa rời hệ thống tài chính Mỹ, đồng thời làm xói mòn tính ưu việt của đồng USD.
Theo giới phân tích, sự hoang mang bên trong các đồng minh của Mỹ trước việc Washington lạm dụng những biện pháp trừng phạt có thể gây khó khăn cho nỗ lực xây dựng những liên minh hợp tác hiệu quả. Tệ hơn, những người chỉ trích cho rằng tình trạng trên còn dễ dẫn tới hệ quả là một số quốc gia sẽ tìm kiếm ngoại tệ khác thay thế cho USD.
Hồi tháng 5, Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Chuyên gia đánh giá mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại hơn sau khi những biện pháp trừng phạt lên Iran được áp đặt trở lại.
Các quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Anh và Đức, ba nước tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran cùng với Mỹ, coi bản thỏa thuận trên có ý nghĩa sống còn với an ninh quốc gia của họ và đã tuyên bố vẫn tuân thủ mọi điều khoản dù Washington rút lui.
Căng thẳng nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng vào ngày 4/9, khi các lệnh trừng phạt từ Mỹ cấm việc mua dầu từ Iran được tái áp dụng. Dầu mỏ được cho là xương sống của nền kinh tế Iran và điều này cũng có thể thúc đẩy Tehran rút khỏi thỏa thuận.
"Trong trường hợp Iran, Mỹ đang khiến các biện pháp trừng phạt bị tổn hại với tư cách công cụ gây ảnh hưởng", Kelsey Davenport, nhà phân tích từ Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Mỹ, bình luận.
"Mỹ đã đặt nhiều quốc gia vào thế khó. Họ bị ràng buộc bởi nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải ủng hộ ICPOA (thỏa thuận hạt nhân Iran). Nhưng họ cũng bị Mỹ đe dọa áp đặt hình phạt nếu không tuân thủ những biện pháp trừng phạt từ Mỹ. Nó chỉ làm bầu không khí thù địch trở nên căng thẳng hơn", Davenport nhấn mạnh.