Hơn 1 tháng nay, nước giếng ở hai thôn Lạc Thắng và Lạc Thanh chỉ còn có thể chắt những gàu vàng đục dành cho gia súc, gia cầm
Gia đình bà Võ Thị Thư ở thôn Lạc Thắng có 8 người. Hơn 1 tháng nay, nước giếng chỉ còn có thể chắt những gàu vàng đục, chỉ dành được cho gia súc, gia cầm. Nước sinh hoạt được bơm từ khe suối dẫn về qua đường ống chảy nhỏ giọt; nước để ăn thì đi xin ở những giếng còn nước trong thôn về cất trữ, sử dụng dè xẻn. Để có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho cả gia đình, bà Thư phải chủ trì phân công thành viên luân phiên đi lấy nước và quản lý, phân chia sử dụng một cách tiết kiệm nhất.
Bà Thư chia sẻ về lần khoan giếng gần nhất, máy khoan đến độ sâu 50m mà vẫn không tìm được nguồn nước
Bà Thư chia sẻ: “Gia đình tôi đã 4 lần kêu thợ về khoan giếng, tìm vị trí khắp cả vườn, nhưng nơi nào cũng vậy, khoan sâu gần 50m vẫn không tìm được nguồn nước ngầm. Dù đã “thích nghi” với tình cảnh thiếu nước trầm trọng trong những tháng hè, nhưng vẫn cảm thấy khổ cực, vất vả quá chú à!”.
Những cái giếng còn nước hiếm hoi trở thành nơi chia sẻ nguồn nước sạch để ăn uống cho mọi nhà
Chị Đinh Thị Hiền (thôn Lạc Thắng)
Chị Đinh Thị Hiền (thôn Lạc Thắng) vừa chờ đến lượt xếp hàng xin nước một giếng nước không bị khô hạn hiếm hoi trong thôn, vừa than thở: "Mùa này gia đình phải mất hẳn 1 lao động chuyên lo nguồn nước ăn, nước sinh hoạt. Nước dùng dè xẻn lắm rồi, nhưng mỗi ngày không biết mấy chuyến đi chở nước suối, xin nước ăn. Vất vả, phiền hà vô cùng."
Những chiếc can chứa nước là vật dụng không thể thiếu của mỗi gia đình trong những ngày nắng hạn
Còn chị Võ Thị Hảo - thôn Lạc Thanh cho biết, tổ liên gia 3 của chị là vùng khô hạn nhất trong thôn. Cứ đến hết tháng 2 cho đến tháng 8 là tất cả các giếng đào được đậy nắp lại vì không còn nguồn nước để mà sử dụng. Ở thôn này, vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình là những chiếc can đựng nước và các thiết bị bơm, dẫn nước, trữ nước để sử dụng trong mùa khô hạn.
Ông Lê Trung Thành - Trưởng thôn Lạc Thắng
Cùng lãnh đạo thôn Lạc Thắng đến vùng đầu nguồn Khe Gạo - nơi lấy nước sinh hoạt của gần 400 hộ ở 2 thôn, chúng tôi không thể tin được, khi vùng khe suối ngổn ngang vỏ và thân cây keo nguyên liệu, nơi mà trâu bò cả mấy thôn sử dụng hàng ngày lại trở thành đầu mối cung cấp nước sinh hoạt của con người.
Trưởng thôn Lạc Thắng - ông Lê Trung Thành trăn trở: “Dẫu biết là nguồn nước ô nhiễm, nhưng không sử dụng thì biết lấy ở đâu để bà con sinh hoạt. Chúng tôi cũng đã có dự định ra quân thu dọn vệ sinh môi trường vùng này để làm sạch nguồn nước, nhưng khối lượng công việc quá lớn nên chưa thực hiện được”.
Dù đầu nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm nhưng không còn cách nào khác, người dân vẫn phải đặt những chiếc máy bơm để dẫn nước về phục vụ gia đình
Nắng nóng chưa hạ nhiệt và theo nhận định của người dân nơi đây, thêm dăm ngày nữa là những giếng nước cuối cùng sẽ cạn. Bà con sẽ phải áp dụng giải pháp cuối cùng là ra khe đào những vũng sâu để tích nước sinh hoạt.
Không chỉ một vài ngày, vài tuần mà trong suốt mùa hè khắc nghiệt, ở vùng khô hạn đặc biệt Lạc Thắng, Lạc Thanh này, một vài cơn mưa may ra cũng chỉ làm dịu đi sự khô khát được ít ngày. Vì vậy, đã nhiều lần người dân trong thôn khẩn thiết đề xuất ở nhiều diễn đàn về việc đầu tư xây dựng một nhà máy nước sạch cung cấp nguồn nước cho người dân trên địa bàn.
Nếu không xây dựng được nhà máy nước, gần 400 hộ dân ở Kỳ Lạc sẽ luôn trong tình cảnh đến hè lại cực nhọc vì thiếu nước
Tuy nhiên, theo thông tin của ông Nguyễn Thái Bình - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Kỳ Lạc, người dẫn đường cho chúng tôi trong chuyến công tác tìm hiểu về tình hình khô hạn tại Kỳ Lạc thì, ông đã từng được đi cùng đoàn khảo sát và biết địa điểm đặt nhà máy nước. Vậy nhưng, sau nhiều lần khảo sát, đến nay, nguồn nước sạch vẫn là mơ ước xa xôi đối với người dân ở đây.