Thời gian gần đây, cả nước đang hứng chịu đợt nắng nóng dữ dội. Theo dự báo của Weatheronline, chỉ số UV tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh liên tục đạt mốc 12 trong thời gian từ 22/4 - 26/4. Đây là cường độ UV cao nhất, mức nguy hại lớn nhất theo bảng xếp hạng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Vậy tia UV có cơ chế tác động như thế nào và mức độ nguy hiểm ra sao đến sức khỏe của con người?
Tia UV là gì?
Tia cực tím (Ultraviolet - UV) là một loại sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X, nằm trong khoảng từ 10 nm đến 380 nm, tương ứng tần số 30 PHz đến 790 PHz. Con người không thể nhìn thấy tia cực tím bằng mắt thường.
Tia UV nằm giữa phổ tia X và ánh sáng khả kiến. Ảnh: Ultraviolet. |
Dựa theo tác động của tia cực tím đối với con người và sinh vật, các nhà khoa học lại chia nhỏ phổ cực tím thành 3 loại, bao gồm: cực tím loại A (UVA) bước sóng 315-400 nm, cực tím loại B (UVB) bước sóng 280-315 nm và cực tím loại C (UVC) bước sóng dưới 280 nm.
Trong 3 loại tia cực kể trên, UVC mang năng lượng cao nhất, nằm ở ranh giới với tia X. Nó có khả năng tác động đến ADN để tạo liên kết bất thường giữa 2 đơn phân kế cận thay vì giữa các đơn phân bổ sung trên 2 mạch đối nhau (tạo bậc thang). Kết quả là ADN có một chỗ phình trong cấu trúc và nó không còn có thể thực hiện những chức năng bình thường nữa.
Vì vậy, UVC có khả năng phá hủy các acid nucleic của vi khuẩn, vỡ DNA, làm mất khả năng sinh sản và giết chết chúng. Con người đã sử dụng công nghệ khử trùng bằng chiếu tia cực tím (UVGI) vào việc tinh sạch thức ăn, không khí, nước; tiêu diệt các mầm bệnh, nấm mốc, virus có trong môi trường. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khẳng định tia UV mang năng lượng cao có thể gây đột biến ở mức độ tế bào.
Tác hại của tia UV từ ánh sáng mặt trời
Ánh sáng Mặt trời mang theo cả tia cực tím UVA, UVB và UVC. Sau khi đi qua tầng ozon của khí quyển, phần lớn đã được hấp thụ, đặc biệt là loại tia UV mang năng lượng cao nhất. 95% tia cực tím chiếu xuống mặt đất là UVA, loại mang năng lượng thấp nhất và ít gây hại nhất. Ngoài ra, tia UV giúp tổng hợp vitamin D trong cơ thể, kích thích các quá trình hoạt động sống với cường độ vừa phải, phù hợp.
Tuy nhiên, UVB và UVC vẫn xuất hiện và có khả năng tác động xấu đến sức khỏe con người.
Tác hại trước mắt khi tiếp xúc với tia UV là gây ra vấn đề về da và mắt. Nếu ở lâu ngoài trời nắng cường độ cao và không có biện pháp bảo hộ cần thiết, các tế bào bao bọc mắt có thể bị hủy do tác động của tia UV. Điều này dẫn đến mỏi mắt, lóa mắt, thậm chí gây đau mắt. Tương tự, da người sẽ bị bỏng nếu tiếp xúc thường xuyên với tia UV có trong ánh sáng Mặt trời. Các tình trạng điển hình thường gặp là da sạm nắng, bỏng nắng.
Khi ra đường, mọi người nên chọn lựa trang phục chống nắng phù hợp để hạn chế tác tại xấu của tia UV. Ảnh: Lê Quân. |
Về lâu dài, tiếp xúc thường xuyên với tia UV sẽ dẫn đến tình trạng suy hoại võng mạc và cườm mắt, làm lòa hay mù mắt. Do có khả năng ion hóa và tác dụng trực tiếp đến cấu trúc ADN, tia UV có khả năng gây đột biến ở mức độ tế bào, dẫn đến ung thư da ác tính.
Theo Skin Cancer Foundation , ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất tại Mỹ. Những người có da bị cháy nắng thường xuyên sẽ có nguy cơ ung thư da cao gấp nhiều lần so với mức trung bình.
Để hạn chế tác hại của tia UV, bạn nên tránh tiếp xúc với ánh nắng ở những thời điểm cường độ cao nhất trong ngày, khoảng từ 10-16h. Khi ra đường nên sử dụng trang phục phù hợp để chống nắng như mặc quần áo dài tay, dùng váy chống nắng dày, đội mũ rộng vành, thoa kem chống nắng.
Ngoài ra, tia UV có khả năng xuyên qua kính, trường hợp bạn làm việc tại văn phòng có ánh nắng chiếu trực tiếp vào hoặc đi xe hơicũng cần sử dụng các biện pháp chống nắng cần thiết.