Nắng nóng triền miên, nông dân lo "mặc áo", ủ gốc cho cây cam

(Baohatinh.vn) - Trước dự báo đợt nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày, nông dân Hà Tĩnh phải xoay xở đủ đường để chống hạn cho cam.

Sở hữu hơn 300 gốc cam đang thời kỳ nuôi quả nên trước dự báo đợt nắng nóng gay gắt còn kéo dài nhiều ngày, ông Nguyễn Đình Lan ở thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc) càng thêm lo lắng.

Ông Lan cho biết: “Nhận định tình hình, tôi đã đầu tư 1 máy bơm nước công suất lớn và hệ thống tưới dài hơn 200m, đồng thời mua bao bì chuyên dụng về bọc toàn bộ số quả cam có trên cây với tổng kinh phí trên 15 triệu đồng. Quả được bọc bởi túi chuyên dụng nên không bị côn trùng chích hút, sâu bệnh phá hoại, mẫu mã đẹp, ít bị cháy nắng. Dù vất vả nhưng chúng tôi vẫn cố gắng với hi vọng cuối vụ cho kết quả tốt".

z5535265785693_846c13cc78b3552d84ed85426063fc1c.jpg
Ông Nguyễn Đình Lan ở thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc) bọc túi cho quả cam để chống nóng.

Trong điều kiện nắng nóng khắc nghiệt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 40 - 42 độ C, việc chăm sóc cây cam càng trở nên khó khăn. Những ngày qua, bà con nông dân xã Thượng Lộc (Can Lộc) phải chủ động dậy từ sáng sớm, kéo các đường ống lên khu vực đồi cao, tập trung tưới 2 lần/ngày cho gần 250 ha cam, trong đó có hơn 150 ha đang thời kỳ ra quả.

Anh Nguyễn Văn Hướng (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc) chia sẻ: "Năm nay, tỷ lệ ra hoa, đậu quả của cam ít hơn năm ngoái khoảng 15% nên việc chăm sóc theo quy trình kỹ thuật đóng vai trò quan trọng để cây phát triển, đảm bảo năng suất tốt nhất vào cuối vụ. Đợt này, bà con đều trải thêm rơm, rạ ở quanh gốc, tăng cường thời gian tưới trên tất cả diện tích cam".

z5535265767424_8bdd47bc7c6545c5469bfed6a3b25c3d.jpg
Nông dân Hương Khê lên vườn từ sáng sớm để kéo đường ống tưới nước cho cam.

Tại huyện Hương Khê - “chảo lửa” của Hà Tĩnh, những ngày này, gần 5h sáng, ông Hồ Huy Hoàng tại xã Hà Linh đã lên đến vườn cam, cật lực kéo đường ống tưới nước cho 500 gốc cam của gia đình.

Ông Hoàng chia sẻ: “Cam là cây chịu hạn kém, thời điểm này cây đang phát triển quả, cần lượng nước đủ và đều đặn, nếu để đất khô hạn thì cây sẽ sốc nước, rụng trái hàng loạt khi xảy ra mưa lớn. Năm nay, tỷ lệ đậu quả không cao, gia đình đang tập trung dùng các loại bao chuyên dụng để bọc hết toàn bộ số quả trên cây nhằm hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng và làm các bẩy bã sinh học để tiêu diệt các loại côn trùng gây hại, có như vậy mới đảm bảo được năng suất, chất lượng tốt nhất vào cuối vụ”.

z5535265977597_b4dbffc1d9f107c1f9d64d740efd5f0a.jpg
Các vườn cam được bọc túi để tránh ảnh hưởng của ánh nắng, côn trùng phá hại.

Nắng nóng kéo dài những ngày qua cùng với gió Tây Nam khô, nóng thổi mạnh khiến một số diện tích cây cam trên khu vực đồi cao của gia đình anh Trần Văn Hạnh (xã Hương Đô, huyện Hương Khê) bị khô héo dần.

Anh Hạnh chia sẻ: “Độ ẩm thấp, lượng bốc hơi lớn nên gần như số nước bơm tưới cho cây hàng ngày không thấm tháp gì, tôi càng thêm lo lắng. Để “cứu” cây cam, tôi đã phải thuê thêm 1 nhân công thời vụ, kéo đường dẫn nước; tận dụng nước từ khe suối, hồ đập; khoan thêm giếng bổ sung; cắt cỏ, lấy rơm rạ tấp thêm vào gốc nhằm giữ nước, tạo ẩm...”.

tp-cam-9-8200.jpg
Nông dân Hà Tĩnh tăng cường bơm tưới cho cây cam trong những ngày nắng nóng.

Theo ông Trần Đình Tâm - Chuyên viên phòng NN&PTNT huyện Hương Khê, địa phương hiện có hơn 2.000 ha cam các loại, trong đó diện tích cho quả khoảng 1.500 ha. Đây đang là thời kỳ nuôi quả quan trọng, nếu không được chăm sóc tốt thì quả phát triển kém, giảm năng suất, chất lượng. Phòng đã chỉ đạo các địa phương tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp như: ủ gốc cho cây, đầu tư hệ thống tưới; chủ động đào ao tích nước nếu có điều kiện; thường xuyên thăm vườn để có biện pháp chăm sóc phù hợp...".

Hà Tĩnh có trên 7.600 ha cam, tập trung ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và Can Lộc; trong đó, có hơn 6.600 ha đang trong giai đoạn phát triển quả non. Trước dự báo đợt nắng nóng gay gắt còn kéo dài nhiều ngày, các địa phương cũng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn cho người dân các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ cây trồng.

z5535266056681_4831bf68653e4e2908d6b8bc35a328a9.jpg
Ngành chuyên môn hướng dẫn chăm sóc cây cam mùa nắng nóng.

Ông Nguyễn Xuân Toàn - Trại trưởng Trại Giống cây ăn quả Truông Bát (Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh) lưu ý:Giai đoạn này, ngoài việc kiểm tra nguồn nước và hệ thống tưới thì còn sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cành lá khô để ủ gốc, nhằm giữ ẩm cho đất, giúp cây tránh bị ánh nắng táp vào gốc. Quan tâm cắt tỉa các cành cây già cỗi, cành bị sâu bệnh và cành vượt tán để tạo tán cho cây thông thoáng, hạn chế nơi trú ẩn của sinh vật gây hại cho cây.

Để hạn chế tình trạng thoát hơi nước, giảm nóng cho cây trồng, giai đoạn này, bà con có thể dùng lưới che trên phần tán cây và gốc cây hoặc dùng bao chuyên dụng để bao quả nhắm chống rám nắng, côn trùng chích hút và tạo mẫu quả đẹp về sau”.

Những ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh không có mưa, gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn làm độ ẩm trong không khí giảm xuống thấp, ban đêm trời oi bức khó chịu, ban ngày trời nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất các khu vực phổ biến 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C, riêng Hương Khê ngày 16/6 lên đến 40,6 độ C; thấp nhất phổ biến 27- 30 độ C; độ ẩm thấp nhất 38 - 48 %.

Từ ngày 18 đến ngày 22/6, vùng áp thấp nóng phía Tây hoạt động khá mạnh nên nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt vẫn tiếp tục duy trì. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 38 - 39 độ C, có nơi trên 40 độ C, nhiệt độ thấp nhất 29 - 31 độ C. Do nắng nóng kéo dài kết hợp với gió Tây Nam khá mạnh gây hiệu ứng phơn nên độ ẩm trong không khí giảm xuống thấp nhất 35 - 45%, trời không mưa, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...
Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Căn cứ theo các quy định, xét đề nghị của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh và Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh.