Một góc xã Đan Trường hôm nay (Ảnh: Đậu Hà).
Nền tảng vững chắc
Xuất phát điểm thấp nhưng nhờ quyết tâm cao, đặc biệt là sự năng động trong cách nghĩ, cách làm nên năm 2018, Nghi Xuân đã trở thành huyện NTM thứ 60 của cả nước và là địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh đạt được mục tiêu quan trọng này. Sau gần 1 thập niên xây dựng NTM, diện mạo vùng quê Nghi Xuân đã thay đổi toàn diện và rõ nét. Hệ thống hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại; quy mô sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; giáo dục, y tế, môi trường từng bước đáp ứng nhu cầu của Nhân dân theo hướng bền vững.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng thăm mô hình dưa lưới công nghệ cao tại HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ)
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015-2020 của Nghi Xuân đạt 10,32%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 khu vực nông thôn ở Nghi Xuân đạt 39,8 triệu đồng (bình quân chung của tỉnh là 33,6 triệu đồng); năm 2020, ước đạt trên 43 triệu đồng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2015. Thu ngân sách từ 120 tỷ đồng (năm 2015) tăng lên 530 tỷ đồng (năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo của Nghi Xuân hiện chỉ còn 3,68% - thấp hơn so với bình quân chung toàn tỉnh.
Mở đường “nâng chất” chuẩn nông thôn mới tại thôn Hội Minh, xã Xuân Hải.
Theo ông Lê Thanh Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân: “Nhiệm kỳ 2015-2020, nhờ linh hoạt và năng động trong việc chọn các giải pháp huy động nguồn lực, toàn huyện đã huy động được gần 2.790 tỷ đồng làm mới 120 km đường trục xã, gần 200 km đường trục thôn; nâng cấp, làm mới 186 km kênh mương thủy lợi và nhiều công trình khác”.
Đích đến huyện Nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa
Trang nghiêm lễ đón bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà thờ Phan Thái (xã Cương Gián).
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hải Nam cho biết: Mục tiêu của Nghi Xuân trong nhiệm kỳ này là đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu về văn hóa gắn với phát triển du lịch, trở thành đô thị phía Bắc Hà Tĩnh. Đây là mục tiêu khó nhưng chắc chắn sẽ đạt được, bởi Nghi Xuân còn “nuôi” tham vọng lớn hơn, trở thành thành phố di sản trong tương lai.
Tặng chữ Thư pháp tại thôn Phong Giang, thị trấn Tiên Điền.
Từ định hướng đó, huyện đặt mục tiêu phấn đấu theo từng mốc thời gian cụ thể. Theo đó, đến năm 2022, huyện phấn đấu có 9/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; năm 2024, có ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 80% xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Nghi Xuân phấn đấu đến năm 2025, thu ngân sách toàn huyện đạt 700 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng; 15/15 xã của huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập vùng nông thôn cao gấp 1,3 lần so với mức thu nhập bình quân của tỉnh.
Phong trào thể dục thể thao ở huyện Nghi Xuân thường xuyên được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. (Trong ảnh: Lễ hội cà kheo tại xã Cổ Đạm).
Hiện thực hóa mục tiêu này, Nghi Xuân tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; huy động tối đa các nguồn lực, xã hội hóa đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, bền vững. Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống, Nghi Xuân còn xây dựng các tuyến giao thông kết nối với tuyến đường ven biển để khai thác các tiềm năng du lịch biển...